Một người hồi sinh nhờ ghép tim, mười người mòn mỏi chờ nguồn hiến
(Dân trí) - Chiều 13/5, bệnh nhân đầu tiên ghép tim tại BV Việt Đức và là ca ghép tim thứ 2 tại miền Bắc được xuất viện, sức khỏe hoàn toàn ổn định. Xung quanh ca ghép tim này, có niềm hạnh phúc vỡ òa, nhưng cũng có những nỗi đau tột cùng cần được sẻ chia.
Như một giấc mơ…
Tâm sự với chúng tôi trước giờ được xuất viện, bà Lương Ngọc Thúy (52 tuổi), vợ bệnh nhân không cầm được nước mắt vì vui sướng. Bà kể, cả tối qua, cả hai vợ chồng đều thao thức không ngủ được khi biết mai được xuất viện. Rồi cả ngày nay, ép chồng ăn cho khỏe, còn bản thân thì không ăn nổi miếng cơm vì không nghĩ có ngày được trở về nhà với người chồng khỏe khoắn, nhanh nhẹn như hiện tại.
“Quả thực, như một giấc mơ, lắm lúc vẫn ngỡ ngàng, không dám tin chồng mình còn sống”, bà Thúy nói.
Bà Thúy kể lại hành trình chữa căn bệnh suy tim nặng của chồng đầy gian nan, khổ cực. Suy tim không chỉ làm ông G yếu, khó thở mà căn bệnh suy tim còn là nguyên nhân khiến chân trái của ông bị ảnh hưởng, yếu không tự đi lại được, khiến thận của ông G bị suy. Nhà ở Hải Phòng, hai vợ chồng ông trở thành bệnh nhân quen mặt tại bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) vì cứ dăm bữa nửa tháng, ông lại ngất, lại phải nhập viện. Rồi lại phải lên tận viện 108 Hà Nội mổ chân nhưng chân vẫn yếu, không thể đi lại được.
Trước khi có cơ hội ghép tim, ông G cũng đang nằm tại bệnh viện Việt Tiệp được hơn 1 tháng. Khi chuyển tới bệnh viện Việt Đức, bác sĩ siêu âm tim rồi khẳng định, ông G sẽ chẳng còn hi vọng sống nếu không ghép tim. Rồi may mắn, ngày 14/4 ông đã được lên bàn mổ ghép tim, nhờ trái tim của một người chết não hiến tạng.
“Khi đẩy chồng vào trước cửa phòng mổ, trong nỗi sợ sẽ mất đi người thân yêu nhất, tôi đã cúi xuống hôn chồng, nước mắt lặng lẽ chảy dài vì nghĩ đó sẽ là nụ hôn cuối cùng dành cho chồng. Sau cuộc mổ, dù được các bác sĩ báo bước đầu thành công, nhưng trong lòng tôi vẫn như có lửa, vì không được tận mắt nhìn thấy chồng. Suốt ngày, tôi lang thang ở dưới sân bệnh viện, hoang mang, rối bời… Rồi đến ngày 15 sau mổ, các bác sĩ đã cho tôi đứng ngoài kính phòng vô trùng để nhìn thấy chồng. Khi nhìn thấy ông ấy từ xa, tôi cứ ngỡ mình đang mơ, không biết người đàn ông đang ngồi trên giường kia có phải chồng mình không…”, bà Thúy vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ lại.
Nở nụ cười hiền, ông G chia sẻ, khi bước vào phòng mổ, tâm trạng ông hoàn toàn thảnh thơi. “Vì biết, không mổ mình cũng không thể sống thêm được. Còn mổ, cơ hội 50- 50. May mắn thì được sống, không may mắn thì coi như là một lần được làm thí nghiệm cho khoa học bởi nếu không mổ, cũng chỉ sống thêm được mấy ngày.
Cuộc trò chuyện đang vui vẻ, bỗng bà Thúy trầm xuống, thông báo với chúng tôi, người đàn ông 42 tuổi lẽ ra được ghép tim (vì chờ hàng năm trời trước ông G nhà bà) vừa tử vong hôm qua (12/5). “Lẽ ra, lượt ghép tim là của chú ấy, nhưng rốt cuộc, người cho tim lại mang nhóm máu hợp với nhóm máu ông nhà tôi. Từng sống trong cảnh mòn mỏi, thấp thỏm không biết khi nào người thân yêu của mình ra đi, tôi hiểu, người đàn ông đó đã rất đau đớn, hụt hẫng. Giá như chú ấy có thể đợi thêm, đợi thêm… để có thêm được nguồn hiến tạng”, bà Thúy nói.
Mong ghép tim sẽ thực hiện thường quy
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa tim mạch và lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết, ca ghép tim này bệnh nhân phục hồi tốt ngoài sức tưởng tượng của các bác sĩ. Trái tim mới đã hòa nhịp đập, hoàn toàn bình thường và căn bệnh suy thận, đau chân do chèn ép mạch máu của ông G cũng khỏi hoàn toàn. Ông đã tự đi lại được bình thường chứ không phải ngồi xe lăn như trước đây.
Theo TS Ước, trường hợp của ông G. là một người rất may mắn trong nhóm 10 người chờ ghép tim đang theo dõi tại khoa. Những bệnh nhân chờ đợi ghép tim luôn thấp thỏm, mong chờ, bởi không thể lựa chọn trước ai sẽ là người được ghép, mà phải hoàn toàn phụ thuộc vào người hiến tạng, từ đó xác định người nào sẽ hợp nhất với quả tim hiến tặng này.
“Trong thời gian chờ đợi đó, có những trái tim đã mệt mỏi và ngừng đập. Mới nhất là trường hợp bệnh nhân 42 tuổi vừa chết hôm qua. Sau hơn 1 năm vừa chiến đấu với bệnh giãn cơ tim (cơ tim bị giãn, không thể co bóp đẩy máu lên tim), vừa thấp thỏm chờ đợi. Bệnh nhân này được nhắm ghép tim đầu tiên vì bệnh quá nguy kịch, nên khi vừa có ca hiến tạng, chúng tôi đã nhắm tới người bệnh nhưng nhóm máu khác biệt. Và cơ hội đã thực sự khép lại khi hơn 1 tháng qua chúng tôi tiếp tục tìm, kêu gọi nguồn hiến tạng cho bệnh nhân từ người chết não nhưng không được”, TS Ước nói.
Ngoài ra, trong nhóm này, còn một bệnh nhân nữa rất trẻ (36 tuổi) cũng bị giãn cơ tim rất nặng, nếu không tìm được nguồn tim hiến tặng, chỉ 1-2 tuần nữa cũng sẽ tử vong.
Trong khi đó, mỗi ngày tại bệnh viện Việt Đức có khoảng 5-7 ca chết não không thể cứu chữa. Dù đội tuyên truyền hiến tạng của bệnh viện luôn tiếp cận, thuyết phục, nhưng để chờ một cái gật đầu đồng ý thì thật hiếm hoi.
“Chúng tôi rất muốn ghép tim trở thành một hoạt động thường quy tại bệnh viện, để những người bệnh đang phấp phỏng bên bờ vực cái chết được hồi sinh, nhưng rào cản lớn nhất là nguồn tạng hiến. Mong lắm những sự đổi thay trong suy nghĩ, sự cởi mở tấm lòng… để thêm nhiều nhiều người bệnh nữa được sống với đúng ý nghĩa của cuộc sống. Biết ơn lắm những nghĩa cử, tấm lòng cao đẹp của người hiến tạng, họ không may nằm xuống nhưng lại để lại cuộc sống cho rất nhiều người, họ vẫn thực sự sống trong những nhịp đập, hơi thở từ những thân thể khác”, TS Ước bày tỏ.
Bài và ảnh: Hồng Hải