Một cụ già bị tắc ruột vì ăn hồng ngâm

Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 103 vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hoàn (58 tuổi ở Sa Pa, Lào Cai) trong trình trạng đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều ra dịch dạ dày.

Ngay sau nhập viện, bệnh nhân được chiếu chụp và phát hiện bị khối dị vật gây tắc lòng hỗng tràng mà nguyên nhân chính từ quả hồng ngâm.

 

BS Lê Xuân Thắng thăm khám bệnh nhân Hoàn

BS Lê Xuân Thắng thăm khám bệnh nhân Hoàn

 

Trước khi nhập viện Bệnh viện 103, bệnh nhân được chuyển tới một bệnh viện khác với biểu hiện đau bụng liên tục, không có tư thế giảm đau, buồn nôn và nôn nhiều ra dịch dạ dày, nôn xong nhẹ hơn nhưng không đỡ đau.

 

Tại đây, sau khi nằm viện hơn 1 tuần bệnh nhân được chẩn đoán viêm miệng nối dạ dày. Điều trị theo hướng này bệnh nhân vẫn đau, ra viện và vào Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 103 trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thể trạng gầy, người mệt nhiều, không sốt; vẫn đau bụng vùng thượng vị, đau liên tục, không lan xuyên, không có tư thế giảm đau; buồn nôn và nôn nhiều ra dịch dạ dày, nôn xong dễ chịu hơn nhưng không đỡ đau; bí trung tiện hoàn toàn, tuy nhiên bệnh nhân vẫn đi ngoài nhưng chỉ ra toàn nước (3 ngày/1 lần)...

 

BS Lê Xuân Thắng, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 103 cho biết, bệnh nhân được khám bụng mềm, dấu hiệu rắn bò (-). Thượng vị ấn tức, môn vị tá tràng ấn tức; Gan, lách không sờ thấy. Khi xét nghiệm máu thì bạch cầu tăng, công thức bạch cầu chuyển trái; CRP tăng; chụp CT ổ bụng các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân tắc ruột cơ học cao. Sau khi bệnh nhân được soi dạ dày, miệng nối viêm phù nề, xung huyết. Dạ dày ứ đọng nhiều dịch, quai đi giãn rộng, nhiều dịch ứ đọng. Bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Dùng các thuốc kháng sinh, giảm tiết, chống nôn.

 

Sau soi dạ dày bệnh nhân nôn nhiều dịch, đỡ đau, dễ chịu hơn. Bệnh nhân tiếp tục đau bụng thượng vị, âm ỉ, liên tục, buồn nôn và nôn, bí trung tiện. Bụng mềm hoàn toàn, khám bụng không rõ điểm đau khu trú, không rõ dấu hiệu bụng ngoại khoa. 2 ngày sau chụp lại X-quang ổ bụng không có hình ảnh tắc ruột. Các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân chụp CT ổ bụng 64 lớp. Kết quả khối dị vật gây tắc lòng hỗng tràng. Bệnh nhân được chuyển Khoa Ngoại mổ cấp cứu và lấy ra bã thức ăn to bằng nắm tay nằm trong lòng hỗng tràng là bã hồng ngâm. Sau khi mổ 1 tuần bệnh nhân đã ra viện và trở lại cuộc sống bình thường.

 

BS Lê Xuân Thắng khuyến cáo, ở người già, nhu động ruột giảm, dịch tiết tiêu hóa để phân hủy thức ăn kém hơn. Mặt khác, bệnh nhân này đã có tiền sử cắt dạ dày, mà quả hồng lượng axit cao, khó tiêu hóa nên dễ gây tắc ruột. Vì vậy, người già nên tránh ăn các thức ăn khó tiêu như măng tươi, măng khô, hồng...

 

Theo Phạm Hằng

Kiến thức