Một con giun dài 12,5cm trong mắt
Một bệnh nhân cư trú ở Hà Nội đã được phẫu thuật gắp một con giun dài 12,5cm, dài nhất trong lịch sử ngành nhãn khoa Việt Nam từ trước tới nay, tại Viện Lão khoa Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Ngh, 50 tuổi, quê Hà Nam, lên Hà Nội làm nghề xây dựng được vài năm nay. Đầu tuần trước, sau một ngày làm việc, bỗng dưng ông thấy một góc mắt rát, đỏ và nhức. Hôm sau, chỗ đau chuyển sang góc mắt bên trái.
Vào Phòng khám Mắt thuộc Khu tập Thể Viện Lão khoa (đường Trần Cung, Hà Nội) bốn ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, ông được GS.TS Tôn Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhãn khoa Việt Nam, trực tiếp khám.
Thử thị lực, GS Thanh thấy hai mắt của bệnh nhân bình thường, 10/10. Tuy nhiên khi soi mắt bệnh nhân, GS Thanh thấy một khối đỏ gồ cao ở góc ngoài nhãn cầu trái (mắt trái). Tĩnh mạch ở vị trí mắt tổn thương giãn quá khổ. Soi kỹ qua kính hiển vi thì thấy tĩnh mạch có biểu hiện chuyển động tại chỗ. Có chỗ, tĩnh mạch lại cuộn vào.
Để thực hiện ca cấp cứu, sau khi nhỏ thuốc tê, qua kính hiển vi phẫu thuật có độ phóng đại 6 lần, bác sỹ dùng panh (pince) giác mạc và kéo chuyên dụng để mở kết mạc bằng một lỗ rộng cỡ 3mm, nơi con giun đang nằm dưới lớp kết mạc.
Qua lỗ kết mạc vừa mở, bác sỹ dùng một panh khéo léo kẹp lấy phần thân con vật. Rất may, nhát kẹp đầu tiên kẹp trúng. Chỉ cần kẹp trượt, mọi nguy cơ có thể xảy ra, nó có thể lẩn sâu hơn vào bên trong mắt.
Xong công đoạn thứ nhất, bác sỹ dùng panh thứ hai luồn qua lỗ kết mạc lựa gắp con ký sinh trùng. Khóa bằng hai kẹp xong, bác sỹ mới từ từ kéo nó qua lỗ kết mạc. Lỗ giác mạc được khâu lại bằng một loại chỉ phẫu thuật 10 - 0, kích thước gần như nhỏ nhất. Ngay sau đó, bệnh nhân cảm thấy “vô cùng dễ chịu sau bốn ngày đau rát”.
Sau đó, bệnh nhân Ngh. sau đó được gửi đến BV Mắt TƯ để thử huyết thanh, nhằm xác định đường di chuyển của con giun. Mẫu vật cũng được gửi đến Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội, để xác định loài giun nhằm đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Việc giun sán trong mắt chủ yếu bị quy cho thói quen ăn thịt sống, gỏi cá, hoặc thức ăn sống có chứa giun sán. Ninh Bình và nhất là tỉnh Hà Nam, quê của bệnh nhân Ngh, vừa được các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I phát hiện một nhóm cá nuôi nhiều ở địa phương có tỷ lệ cao mang giun sán.
Theo một chuyên gia ở Viện Sốt rét & Ký sinh trùng TƯ, giun sán khi chui vào cơ thể có thể sống hàng mấy năm trời. Theo đường máu, chúng có thể len lỏi đến bất cứ nội tạng nào của cơ thể như mắt và thậm chí cả não.
Việc giun sán xuất hiện ngoài mắt, nằm ở kết mạc, là vô cùng hiếm. Chúng thường nằm sâu trong tổ chức nội tạng và vì thế việc phát hiện và lấy chúng ra khỏi cơ thể bệnh nhân vô cùng khó khăn.
Tháng 10/2007 bệnh viện Mắt TƯ tiếp nhận bệnh nhân N.T.C (50 tuổi ở Cốc Phong, Chí Tân, Khoái Châu, Hưng Yên) vào viện khi mắt phải bị vướng cộm, kết mạc góc ngoài vùng khe mi mắt có một khối đỏ, kích thước to nhanh. Khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm chẩn đoán không có gì đặc biệt, khi phẫu thuật đã gắp ra được một con giun dài 10cm.
Sáng 7/11/2007, bệnh nhân Tạ Minh Hồng (49 tuổi, phường Phương Liên, Hà Nội) vào viện trong tình trạng mắt cộm, đỏ. Các bác sĩ Khoa Kết giác mạc đã thăm khám và phẫu thuật gắp ra một con giun dài 7cm trong mắt bệnh nhân.
Tháng 2/2007, bệnh nhân T.T.S (50 tuổi ở tổ 18D phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng-Hà Nội vào viện sau 10 ngày bị sưng nề mi mắt trên bên phải, điều trị kháng sinh nhỏ tại chỗ không đỡ. Vào Bệnh viện Mắt Trung ương khám, làm xét nghiệm phát hiện, trong mi mắt trên bên phải của bệnh nhân có một khối u kích thước 0,5cm, mật độ chắc, di động, ấn không đau, kết mạc xung huyết nhẹ. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt u. Sau khi dùng kìm bóc tách u, vỏ bọc vỡ một chất nhầy màu vàng chảy ra và theo đó là đầu giun còn sống (ngọ nguậy) dài 4cm. |
Theo QD
Tiền phong