Một bệnh nhi bị rò dịch não tủy qua mũi hiếm gặp

Lần đầu tiên, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TPHCM tiếp nhận một bệnh nhi 15 tuổi có biểu hiện dịch não tủy chảy thành giọt qua mũi, dù bệnh nhi không hề bị chấn thương trước đó.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Trần

 

Bác sĩ (BS) Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết: trong vòng bốn tháng, bệnh nhi Nguyễn Ngọc Mạnh (15 tuổi, ngụ Đăk Lăk) đã nhập viện năm lần vì bệnh viêm màng não.

 

Chị Trương Thị Bảy, mẹ của Mạnh kể, sáng mùng Bốn Tết Quý Tỵ, cháu có biểu hiện chảy mũi nước, đau vùng hầu họng kéo dài. Nghĩ Mạnh bị cảm cúm thông thường, chị Bảy mua thuốc cho uống nhưng không giảm và sau đó, Mạnh sốt cao, nôn ói, nhức đầu. Khi đưa đến BV Đa khoa tỉnh Đăk Lăk, các BS chẩn đoán Mạnh bị viêm màng não. Bệnh viêm màng não của Mạnh liên tục tái phát. Đến lần thứ tư mắc viêm màng não, gia đình đã đưa cháu xuống TP.HCM điều trị. Trong lần nhập viện thứ năm tại BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, các BS Khoa Nhiễm và Ngoại thần kinh đã phát hiện nguyên nhân tái đi tái lại là do bệnh nhi đã bị rò dịch não tủy qua mũi.

 

BS Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Nhi Đồng 2, giải thích: thông thường, hộp sọ cách biệt hoàn toàn với vùng trán, hàm, sàn. Vì vậy, những trường hợp dịch trong sọ não chảy qua một khe thông trực tiếp từ sọ não vào vùng trán, hàm, sàn rồi chảy vào hốc mũi, ra ngoài chứng tỏ bệnh nhân đã bị rò dịch não tủy.

 

Bệnh nhi Nguyễn Ngọc Mạnh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM

 

Cũng theo BS Đặng Đỗ Thanh Cần, rò dịch não tủy có nhiều nguyên nhân, đa phần do chấn thương sọ não gây vỡ sàn sọ trước (như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt) chiếm 80-90%. Ngoài ra, rò dịch não tủy còn do một số nguyên nhân khác như: khiếm khuyết vùng xương sàn bẩm sinh; u não gây hủy xương; viêm xương tái phát nhiều lần do áp-xe não, viêm xoang gây hủy xương... Tuy nhiên, trường hợp của Nguyễn Ngọc Mạnh bị rò dịch não tủy tự phát không rõ nguyên nhân, rất nguy hiểm và hiếm gặp tại Việt Nam và cả trên thế giới. Nếu chẩn đoán không đúng bệnh, người bệnh dễ bị áp-xe não hoặc tràn khí nội sọ.

 

Những triệu chứng của bệnh cũng thường bị bỏ qua vì dễ nhầm dịch não tủy là nước mũi. Các BS khuyến cáo, tùy thuộc vào nguyên nhân do chấn thương hay do tự phát và tùy thuộc vào diễn tiến bệnh mà có những phương pháp điều trị khác nhau. Những trường hợp nhẹ chỉ cần điều trị bảo tồn, bệnh nhân được uống thuốc giúp giảm tiết dịch não tủy, và điều trị viêm màng não, nếu có. Hoặc bệnh nhân được đặt một ống vào trong tủy sống để dẫn lưu dịch não tủy ra ngoài trong khoảng một tuần, để làm giảm bớt áp lực trong não, giúp vị trí “bị bể” tự lành.

 

Nếu điều trị cả hai phương pháp trên mà vẫn thất bại thì BS tiến hành phẫu thuật. BS cho bệnh nhân chụp CT-Scan sọ não để xác định vị trí rò dịch não tủy chính xác. Sau đó, BS sẽ thực hiện phương pháp bít đường thông dịch não tủy từ sọ chảy xuống mũi bằng kỹ thuật nội soi qua đường não hoặc mổ hở sọ não. Chi phí cho một ca điều trị từ bốn-năm triệu đồng.

 

Theo Văn Thanh

Phụ nữ TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm