Món ăn bồi bổ phục hồi viêm gan mạn tính
Viêm gan mạn tính là một bệnh lí rất phổ biến ở nước ta do tỷ lệ nhiễm viêm gan B, C và tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức cao.
Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm của gan kéo dài hơn 6 tháng. Tình trạng viêm mạn tính này có thể có nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, nổi bật nhất là viêm gan virus và lạm dụng rượu, bia, một số khác do viêm gan tự miễn, bệnh gan nhiễm mỡ...
Ở khoảng 2/3 bệnh nhân, viêm gan mạn phá hủy dần dần chức năng gan và không có triệu chứng. Thông thường, bệnh gây mệt mỏi, chán ăn. Mệt mỏi tăng dần trong ngày và có thể gây suy nhược cơ thể. Một số triệu chứng khác bao gồm: Khó chịu nhẹ vùng bụng trên rốn, buồn nôn, đau nhức người… Nếu tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, có thể xuất hiện các triệu chứng: Vàng da (da và tròng trắng mắt bị nhuốm vàng), báng bụng (bụng phình to và chứa dịch), sụt cân, yếu cơ, nước tiểu sậm màu, dễ bầm da và hay chảy máu, lú lẫn.
Vì viêm gan mạn tính trong thời gian đầu rất ít có triệu chứng. Nên cách tốt nhất để phát hiện bệnh là nên thực hiện kiểm tra chức năng gan định kỳ. Xét nghiệm máu bao gồm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan như men gan, bilirubin và các xét nghiệm kháng nguyên virus viêm gan B, C. Trong một số trường hợp, sinh thiết gan có thể được chỉ định. Sinh thiết gan giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mức độ tổn thương của gan.
Mục tiêu điều trị viêm gan mạn tính là ngăn ngừa bệnh tiến triển gây xơ gan, suy gan, ung thư gan. Viêm gan mạn do viêm gan B, C thường được điều trị bằng thuốc kháng virus. Các thuốc gần đây cho thấy hiệu quả rất tốt; Đối với viêm gan mạn do rượu, cách tốt nhất là ngưng hoàn toàn việc uống rượu. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển và giúp hồi phục chức năng gan một phần. Nếu viêm gan do các bệnh lý chuyên biệt, sẽ có điều trị đặc hiệu cho từng bệnh lý. Khi đã có dấu hiệu của xơ gan, suy gan, nên kiểm tra chức năng gan định kì và thực hiện tầm soát ung thư gan.
Người được viêm gan mạn tính được chẩn đoán chính xác, bệnh cơ bản đã điều trị ổn định thì ngoài việc uống thuốc, nên bồi bổ như sau:
Canh nấm hương + thịt nạc: Nấm hương, thịt lợn nạc mỗi loại 100g. Nấm hương tươi, thịt lợn nạc cho vào nấu cùng nêm gia vị là ăn được.
Cá chạch sấy: Cá chạch sống 200g. Trước tiên thả cá chạch sống vào trong nước sạch nuôi 1 ngày, để cho cá thải hết chất bẩn. Ngày hôm sau cho vào lò sấy sấy khô, tán thành bột, cất vào lọ, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10g, uống với nước ấm, 15 ngày là một liệu trình, thường 4 liệu trình là có hiệu quả.
Trứng gà nấu câu kỷ tử: Câu kỷ tử 75 - 150g, táo nam 8 - 9 quả, trứng gà 2 quả, cho cùng vào nồi nấu, đợi trứng gà chín bóc bỏ vỏ, đun tiếp 1 lát. Ăn trứng, uống canh, mỗi ngày hoặc cách ngày ăn 1 lần.
Xương lợn hầm giấm gạo + đường: Xương lợn tươi 500g (xương sống là tốt nhất), giấm gạo 1 lít, đường đỏ, đường trắng mỗi loại 125g. Chặt, ghè vỡ xương sống, cho cùng với giấm gạo, đường vào trong nồi đun sôi 30 phút (không cho thêm nước), đợi cho nguội, dùng khăn vải đã tiệt trùng lọc lấy nước, cất vào lọ để dùng. Mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 30 - 40ml. Uống sau bữa ăn, một tháng là một liệu trình.
Thạch dứa: Dứa hộp 250g, đường trắng 250g, bột rau câu 20g, giấm trắng 1 thìa cà phê, muối 1 ít. Cắt dứa thành miếng nhỏ, chia đều vào các bát (hoặc cốc) nhỏ. Cho đường trắng, giấm, nước muối, bột rau câu, nước dứa hộp vào quấy đều đun lửa nhỏ cho tan hết đường và bột rau câu sôi rồi để nguội. Múc nước này vào các bát nhỏ đã cho dứa rồi để vào tủ lạnh cho đông lạnh, khi ăn lấy ra. Dùng lạnh như món giải khát.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)
Theo khoahocdoisong.vn