Món ăn - bài thuốc chữa viêm amidan mạn tính
Người bệnh viêm amidan mạn tính thường có độc bên ngoài lưu trệ, do vậy kiêng ăn sống, lạnh như nước đá, rau sống trộn nộm. Nên ăn nhiều rau xanh, dưa cải, cà chua, mã thầy, ngó sen, củ súng, táo.
Viêm amidan mạn tính thường do viêm amidan cấp tính không chữa trị tận gốc, diễn biến lặp đi lặp lại mà có. Biểu hiện chủ yếu là cổ họng hay có cảm giác ngứa, khô nóng, hơi đau. Có khi cảm giác như có dị vật, hôi miệng, sốt nhẹ, tiêu hóa kém, mất sức.
Một số bài thuốc dân gian
Phép chữa: Dưỡng âm thanh phế hoạt huyết (tiêu viêm).
- Bài 1: Sinh địa 16g, huyền sâm 12g, sơn thù 8g, xạ can 6g, hoài sơn 12g, tri mẫu 8g, trạch tả 8g, thiên hoa phấn 8g, đan bì 8g, địa cốt bì 8g, phục linh 8g, ngưu tất 12g, tất cả làm thành một thang sắc uống.
Trong bài này, sinh địa, huyền sâm có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, sinh tân. Ngưu tất, tri mẫu có tác dụng hoạt huyết. Hoài sơn, phục linh, đan bì có tác dụng lương huyết tiêu sưng.
- Bài 2: Sinh địa 20g, bối mẫu, mạch môn, thiên hoa phấn, địa cốt bì mỗi thứ 8g; cam thảo, bach hà mỗi vị 4g; bạch thược, đan bì, huyền sâm mỗi vị 12g.
Tất cả làm thành thang sắc uống, uống khi thuốc còn ấm. Trong bài này, mạch môn để dưỡng phế âm, huyền sâm để thanh hư hỏa giải độc, sinh địa để dưỡng thận âm, bối mẫu để nhuận phế hóa đờm, đan bì để lương huyết tiêu sưng.Chữa bằng các món ăn chọn lọc
Nguyên tắc ăn uống
- Người bệnh viêm amidan mạn tính thường có độc bên ngoài lưu trệ, do vậy kiêng ăn sống, lạnh như nước đá, rau sống trộn nộm.
- Người bệnh thường có trạng thái chứng bệnh nước bọt, mồ hôi không đầy đủ, âm hư hỏa mạnh, do vậy kiêng ăn các thức ăn thơm khô, nóng mạnh để phòng phạt âm, tổn thương nước bọt như tỏi sống, hành tây, hồi, rau thơm, hạt tiêu, ớt.
- Nên ăn nhiều rau xanh, dưa cải, cà chua, mã thầy, ngó sen, củ súng, táo.
Món ăn bài thuốc
- Bài 1: Một số hoa quả tươi theo mùa, ép nước uống như dưa hấu, dưa chuột, lê tươi, cam ngọt, mía, ngó sen, đào, mận, dưa bở. Dùng chữa viêm amidan mạn tính kèm miệng khô, họng ráo.
- Bài 2: Lấy 3 lát chanh tươi, thêm 15g đường phèn, hãm nước sôi làm một cốc nước chanh. Mỗi ngày uống hai cốc. Dùng chữa viêm amidan mạn tính kèm chảy máu chân răng.
- Bài 3: Lô căn tươi một nhánh, lá bạc hà 6 lá, sắc lấy nước, súc miệng luôn. Dùng chữa viêm amidan mạn tính kèm ngứa họng.
- Bài 4: Bách hợp 20g, bỏ vỏ lụa, thêm lá dâu 9g sắc lấy nước, nấu canh bách hợp, mỗi ngày ăn một bát con. Dùng chữa họng ngứa, khô nóng đau, ho đờm ít.
- Bài 5: Hồng khô một quả, nhai nhỏ, từ từ nuốt. Mỗi ngày ăn một quả. Dùng chữa viêm amidan mạn tính kèm cảm giác vướng họng.
- Bài 6: Trám muối một quả, ngậm trong miệng, nuốt nước. Mỗi ngày ngậm ăn 2 quả. Dùng chữa viêm amidan mạn tính có đau.
- Bài 7: Thịt lợn nạc 50g, thái miếng nhỏ, thêm 100g bồ công anh tươi (giã nát, bọc vải màn), cùng nấu trong 2 giờ. Mỗi ngày ăn hai bát con. Dùng chữa viêm amidan mạn tính có hoa mắt đầu váng, yếu hầu nóng rát.
- Bài 8: Mộc nhĩ trắng 200g, ngâm nở, nấu nhừ trong lửa nhỏ, thêm nước sắc của 30g mạch đông nấu thành canh đặc. Mỗi ngày ăn hai bát con. Dùng chữa viêm amidan mạn tính kèm ho khan không có đờm, sốt vào buổi chiều.
Theo Sức khỏe & đời sống