Mối nguy tiềm ẩn từ biến chứng bệnh đái tháo đường
(Dân trí) - Bệnh đái tháo đường được ví như "kẻ giết người thầm lặng". Các triệu chứng bệnh thường không rõ ràng, nhưng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng thành nhiều bệnh nguy hiểm.
Cứ 5 giây lại có 1 người tử vong do đái tháo đường
Đái tháo đường là nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất. Bệnh có đặc điểm tăng glucose huyết do giảm tiết insulin và sự thay đổi nồng độ kháng insulin ngoại vi dẫn đến tăng đường huyết.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2021, thế giới có 537 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, 50% số người trưởng thành mắc bệnh không được chẩn đoán. Các chuyên gia dự báo, số người mắc bệnh sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045.
Cũng theo IDF, cứ 5 giây lại có 1 người tử vong do đái tháo đường. Đây là căn nguyên gây ra 6,7 triệu ca tử vong trong năm 2021.
Tại Việt Nam, số liệu điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, ước tính có khoảng 7,1% người trưởng thành mắc đái tháo đường, tương đương khoảng 5 triệu người. Trong đó, số người được chẩn đoán chiếm khoảng 35%, số người đang điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong do bệnh tật đứng thứ 3 tại nước ta, sau bệnh tim mạch và ung thư.
Đái tháo đường là bệnh lý không lây nhiễm khá phổ biến. Do đó, nhiều người thường chủ quan trong điều trị và phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu không kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp hợp lý, đái tháo đường dễ có nguy cơ biến chứng thành nhiều bệnh nguy hiểm.
Hơn 55% bệnh nhân gặp biến chứng
Khi lượng đường trong máu cao, người bệnh thường xuất hiện các dấu hiệu như mệt mỏi, khát và uống nước liên tục, đi tiểu thường xuyên, ăn nhiều nhưng bị sụt cân, suy giảm thị lực, vết thương chậm lành…
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng này không rõ ràng và khó nhận biết. Người bệnh thường xem nhẹ và bỏ qua việc điều trị. Đây là lý do khiến bệnh đái tháo đường phát triển nhanh hơn và dẫn tới biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, mắt, thận, thần kinh…
Cũng theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, Việt Nam có hơn 55% bệnh nhân mắc đái tháo đường có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Theo PGS.TS.BS.CKII Nguyễn Văn Quýnh, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc: "Đái tháo đường là bệnh rất nguy hiểm, là kẻ giết người thầm lặng. Bệnh có nhiều biến chứng. Đầu tiên là biến chứng cấp tính hôn mê, nếu không cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong khá cao. Trong khi đó, biến chứng mãn tính sẽ gặm nhấm. Trong đó có biến chứng mạch máu lớn, mạch máu nhỏ, tổn thương thần kinh".
Bác sĩ Quýnh cho biết thêm, người lớn mắc đái tháo đường có nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao gấp 2 đến 3 lần các đối tượng khác. Bên cạnh đó, bệnh có thể gây ra các tổn thương mạch máu nhỏ ở thận, làm cho thận hoạt động yếu hoặc suy thận.
Một biến chứng nguy hiểm khác là bệnh võng mạc đái tháo đường. Bệnh xảy ra do mạch máu ở võng mạc bị tổn thương khi đường huyết tăng cao trong thời gian dài. Tổn thương này ảnh hưởng lớn đến thị lực và có thể dẫn đến mù lòa.
Chị P.K.H (42 tuổi, Bắc Ninh), bệnh nhân đái tháo đường lâu năm cho biết: "Sau thời gian dài mắc bệnh, tôi cảm thấy mắt nhìn mờ hẳn đi, tầm nhìn hạn chế, nhất là vào ban đêm, dù trước đó bản thân không có vấn đề gì về mắt. Tôi đi khám được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh võng mạc đái tháo đường và cần điều trị để ngăn tổn thương mắt dẫn tới mù lòa".
BS.CKII Lê Quỳnh Giang, chuyên khoa Nội tiết tại Thu Cúc TCI cho hay, đái tháo đường gây ra các hệ lụy vô cùng lớn. Trong đó có biến chứng nặng nề về tim mạch, nhiễm trùng, mắt, thận… Vì vậy, việc phát hiện sớm và quản lý hiệu quả bệnh đái tháo đường sẽ giúp giảm tỷ lệ ca bệnh bị biến chứng.
Tầm soát sớm đái tháo đường, giảm mối nguy biến chứng
Ngày 30/12/2020, Bộ Y tế thông qua quyết định số 5481/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2". Trong văn bản hướng dẫn, Bộ Y tế cung cấp thông tin định nghĩa và dịch tễ học, phương pháp chẩn đoán điều trị và danh mục các loại thuốc hỗ trợ kiểm soát bệnh.
Phương pháp điều trị chung bệnh đái tháo đường bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện, theo dõi nồng độ glucose máu, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ… Các chuyên gia khuyến cáo, để đạt hiệu quả điều trị tối đa và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần kết hợp thực hiện điều độ các phương pháp này.
Theo đó, người bệnh nên hạn chế dung nạp các thực phẩm nhiều muối, cholesterol và chất béo bão hòa; hạn chế sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, thuốc lá; tăng cường đạm thực vật; tập luyện thể dục thể thao ở cường độ vừa phải; kiểm tra sức khỏe thường xuyên để tầm soát và điều trị các biến chứng gây hại.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quýnh cũng cho biết thêm, vì đái tháo đường là bệnh mạn tính, liên quan đến rối loạn chuyển hóa đường, lipid, protid nên phải điều trị tổng thể. Song song với điều trị đường huyết buổi sáng, người bệnh cần chú trọng theo dõi lượng đường sau ăn để điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, thăm khám định kỳ hoặc khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng bệnh cũng là cách kiểm soát đái tháo đường sớm và hiệu quả.
Khám chữa bệnh đái tháo đường nói riêng, bệnh lý chuyên khoa Nội tiết nói chung tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đạt hiệu quả cao với đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm, chuyên môn giỏi. Cùng với đó là sự trợ giúp hữu hiệu của hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại và đồng bộ, hỗ trợ tối đa quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.
TCI hiện áp dụng chương trình ưu đãi khi thăm khám nhiều chuyên khoa nội bao gồm nội tiết:
- Miễn phí khám ban đầu với bác sĩ
- Giảm 20% phí chụp chiếu, xét nghiệm
(Áp dụng tại cơ sở 32 Đại Từ, Hà Nội)
Để được tư vấn và đặt lịch khám liên hệ:
Hotline 0936 388 288, tổng đài 1900 55 88 92 hoặc gửi mail về địa chỉ contact@thucuchospital.vn