Mất tiếng không chủ quan

Lo đại sự mất tiếng do nói nhiều là chuyện bình thường nhưng có không ít người, việc lo đại sự mệt, yếu lại là cơ hội cho bệnh biểu hiện rõ ràng....

 
Ông Nguyễn Văn Bách, 62 tuổi (Hà Nội) sau lo đám tang của người thân tự nhiên thấy mình mất tiếng. Nghĩ rằng do công việc gia đình phải nói nhiều nên ông cũng không đi khám.

Bệnh kéo dài, cứ đỡ rồi lại tái phát đến khi thấy đau, khó nuốt, khó thở... ông mới đi khám thì được kết luận ung thư thanh quản.

Lời bàn: PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư cho biết, một số người bị mất tiếng do nói nhiều là bình thường nhưng chỉ vài hôm là khỏi và không tái phát. Nhưng nếu mất tiếng kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên thì không thể xem thường bởi đó thể là triệu chứng của viêm thanh quản cấp và mãn tính, viêm đặc hiệu (lao, giang mai), hay là biểu hiện của u lành tính (u hơi, u đặc, u máu, u nhú, u nang, polyp, hạt dây thanh...) hoặc nguy hiểm hơn là ung thư thanh quản, liệt thanh quản, chấn thương ngoài và trong thanh quản... Vì vậy khi bị khàn tiếng, mất tiếng kéo dài, cần đến các sở chuyên khoa Tai mũi họng để khám và điều trị.

Theo khoahocdoisong.vn