1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mạt gà, mạt chuột có khả năng truyền bệnh không?

(Dân trí) - Gà và chuột là các loại động vật sống gần người. Trên cơ thể của chúng thường có loại mạt ký sinh. Ở nước ta có khoảng 36 loài mạt khác nhau, phổ biến nhất là loại mạt gà và mạt chuột. Vậy những loại mạt này có khả năng truyền bệnh cho người không?

 

Mạt gà, mạt chuột có khả năng truyền bệnh không? - 1

Mạt thuộc họ Gamasidae là loại động vật chân đốt nhỏ, sống tự do ở mùn đất
 hoặc sống ký sinh ở các động vật máu nóng, đôi khi ký sinh ngay cả ở người

 

Mạt gà

 

Mạt gà có tên khoa học là Dermanyssus gallinae, con đực có kích thước khoảng 0,60mm x 0,20mm và con cái có kích thước khoảng 0,75mm x 0,40mm. Thân có hình trứng, đầu nhỏ, bụng có lông ngắn, thưa. Mạt có chân ngắn nhưng rất khỏe, hai chân trước gần bằng chiều dài của thân; ống thở dài tời gốc đôi chân thứ hai. Cơ thể mạt gà có màu trắng, đỏ hoặc tím tùy theo lúc chúng đói hay no.

 

Mạt gà thường hoạt động vào ban đêm. Ban ngày chúng trú ẩn ở các tổ chim, ổ gà, khe vách chuồng gà... chờ đêm đến bò ra đốt máu chim, gà, đôi khi chích đốt máu cả người. Mạt có khả năng nhịn đói nhiều tuần. Khi bị đói lâu, chúng không đốt máu được người nhưng bò trên người gây nhiều cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

 

Về vai trò gây bệnh và truyền bệnh, mạt gà cũng có khả năng đảm nhận trong một số trường hợp. Nước bọt của mạt gà rất độc đối với gà, nếu mật độ hoạt động của mạt nhiều ở các ổ gà, chuồng gà nó có thể làm cho gà chết trong vòng 24 giờ, nhất là vào cuối mùa hạ. Khi mạt chích đốt người có thể gây ngứa dữ dội và tạo nên những đám nổi mẩn mọng nước.

 

Theo một số nghiên cứu đã thông báo, mạt gà có khả năng truyền bệnh viêm não-màng não cho người. Ở Việt Nam, loại mạt gà xuất hiện và hoạt động khá nhiều nhưng vai trò truyền bệnh của nó chưa được xác định.

 

Mạt chuột

 

Mạt chuột có tên khoa học là Dermanyssus sanguineus. Con đực nhỏ hơn con cái, thân có hình trái xoan, màu nâu vàng. Chúng thường ký sinh trên loại chuột đen (Rattus rattus), chuột cống (Rattus norvegicus) khá phổ biến tại nước ta.

 

Mạt chuột có khả năng truyền bệnh đậu do Rickettsia giống bệnh thủy đậu và bệnh sốt phát ban chuột.

 

Một số nhà khoa học đã nghiên cứu và phân lập được mầm bệnh sốt phát ban chuột do loại virus Liponyssus bacoti, một bệnh có khả năng lây truyền từ chuột sang người.

 

Biện pháp phòng chống mạt

 

Muốn phòng, chống mạt gà, mạt chuột có hiệu quả để chủ động phòng bệnh; cần vệ sinh chuồng chim, chuồng gà, lấp các hang chuột và tổ chức diệt chuột thường xuyên. Khi lao động, làm việc gần chuồng gà, chuồng chim cần sử dụng các loại hóa chất xua, diệt côn trùng để phòng bị mạt chích đốt máu. Nếu có điều kiện, có thể dùng hóa chất diệt côn trùng bảo đảm an toàn cho gia cầm phun tồn lưu hoặc xông hơi chất diêm sinh vào các chuồng gà, chuồng chim để diệt loài mạt hoạt động.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm