1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mầm hoạ sán nhái trong đặc sản đồng quê

Hiện nay, nhiều món ăn được chế biến từ đặc sản đồng quê: ếch, nhái, rắn, chim... Nếu chế biến không cẩn thận, thịt chưa được nấu chín kỹ thì ấu trùng sán nhái ký sinh ở những con vật này có thể xâm nhập cơ thể và gây bệnh.

Trước đây, Việt Nam chỉ ghi nhận bệnh nhân bị sán nhái ký sinh ở mắt, nhưng gần đây đã ghi nhận những trường hợp bị sán nhái chui vào phổi và thành bụng mà không rõ nguyên nhân.

 

Thịt ếch nấu chín kỹ mới nên ăn. Ảnh: Saphia Thu

Thịt ếch nấu chín kỹ mới nên ăn. Ảnh: Saphia Thu

 

Mở lòng đón trùng ký gửi

 

Bệnh ấu trùng sán nhái thường gặp ở châu Á và một số nước châu Âu có nhập khẩu thịt ếch, nhái, rắn, chim… Sán nhái thường gây bệnh cho người ở giai đoạn ấu trùng. Ấu trùng có dạng hình sâu có tên Sparganum, bệnh gây nên gọi là Sparganose.

 

Sán nhái đẻ trứng dưới nước, trứng bị những loài phù du, giáp xác ăn, đó là vật chủ phụ thứ nhất của sán. Sau đó loài phù du, giáp xác này bị ếch, nhái, rắn hoặc chim ăn – những loài này trở thành vật chủ phụ thứ hai. Khi ký sinh ở vật chủ phụ, ấu trùng ở dạng sâu (plerocercoid) dài vài centimet, màu trắng ngà, không chia đốt, không có đầu (scolex) ở phía trước, chỉ có ống giác giả. Con người có thể trở thành vật chủ phụ thứ hai trong các trường hợp uống nước chưa đun có chứa những loài phù du, giáp xác đã nhiễm sán; ăn thịt ếch, nhái, rắn, chim... sống hoặc chưa nấu kỹ; từ đây ấu trùng sán nhái đột nhập vào ống tiêu hoá, chui vào thành dạ dày, ruột và tạo thành u ở đó. Ngoài ra, ở thôn quê người dân còn quan niệm đau mắt đỏ là do “bốc hoả”, dùng thịt ếch nhái sống là chất mát, lạnh đắp vào mắt để “hạ hoả” đã tạo điều kiện thuận lợi cho ấu trùng sán nhái xâm nhập vào da, mắt gây u ở mắt, bệnh nhân có thể bị mù. Một số trường hợp khác ít gặp hơn là nhiễm ấu trùng sán nhái do rửa mặt bằng nguồn nước có loài phù du, giáp xác bị nhiễm ấu trùng.

 

Khi người là vật chủ phụ thứ hai của ấu trùng sán nhái, triệu chứng bệnh sẽ phụ thuộc nơi ấu trùng có dạng hình sâu ký sinh. Nếu ký sinh ở mắt sẽ gây đau, chảy nhiều nước mắt, viêm sưng màng tiếp hợp, mi, mí mắt... Nếu ký sinh ở da thì gây ngứa, nổi mẩn, thâm nhiễm, đôi khi người bệnh có cảm giác ấu trùng đang di chuyển. Một số trường hợp đã phát hiện ấu trùng sán nhái dạng sâu ở vùng màng ruột, thận, bàng quang, phổi, xoang ngực, tim và mô não. Khi ấu trùng sán nhái xâm nhập sâu vào trong nội tạng thì bệnh sẽ rất nặng.

 

Nhớ đừng “ăn tươi nuốt sống”

 

Trên lâm sàng, cách xác định bệnh chắc chắn nhất là phẫu thuật phát hiện và lấy được ấu trùng. Điều trị bệnh cũng bằng phẫu thuật để bóc tách, loại bỏ ấu trùng. Nếu không mổ được thì dùng thuốc novarsenol 0,3 – 0,4g/kg cân nặng/ngày, điều trị trong 4 – 5 ngày. Thuốc praziquantel và mebendazole không có tác dụng diệt ấu trùng của ký sinh trùng.

 

Để phòng bệnh, cần tuyên truyền vận động người dân không uống nước chưa đun sôi, không ăn các loại thịt ếch, nhái, rắn, chim... chưa nấu kỹ. Vùng nông thôn cần bỏ tập quán dùng thịt ếch, nhái sống đắp vào mắt để chữa bệnh mắt đỏ. Ngoài ra, chỉ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Khi vào quán ăn, nhà hàng, cần thận trọng khi gọi thức ăn được chế biến từ thịt ếch, nhái, rắn, chim... không ăn nếu thấy chưa nấu chín kỹ.

 

Theo BS Nguyễn Võ Hinh

TTƯT, Viện SR-KST-CT Quy Nhơn