Louis Brasseur - Vị bác sĩ luôn trăn trở với từng cơn đau của bệnh nhân

Trường Thịnh

(Dân trí) - Không ít lần, các thư ký y khoa chứng kiến bác sĩ Louis Brasseur - Trưởng trung tâm Điều trị Đau của Bệnh viện FV - thanh toán chi phí khám giúp bệnh nhân theo hết liệu trình trị đau, khi họ nói không có tiền.

Không chỉ là vị bác sĩ giàu lòng nhân ái, ông còn là một nhà khoa học tầm cỡ, góp công đặt nền móng cho lĩnh vực điều trị đau thế giới.

Louis Brasseur - Vị bác sĩ luôn trăn trở với từng cơn đau của bệnh nhân - 1
Bác sĩ Louis Brasseur khám và điều trị đau cho bệnh nhân tại Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

Hóa giải những cơn đau dai dẳng không rõ nguyên nhân

Hơn 5 năm trước, chị Lê Nguyễn Huyền Trân (quận 7, TP.HCM) bất ngờ bị bệnh lạ, cơ lưng luôn trong tình trạng căng cứng và đau nhức. Chị gần như không ngủ được vì cơ thể không thể thả lỏng. Chị Trân tìm đến nhiều bệnh viện, kết hợp nhiều phương pháp điều trị từ Tây y đến Đông y nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Có bác sĩ còn quả quyết rằng chị phải sống với căn bệnh này suốt đời.

Trong hành trình "vái tứ phương", chị tìm đến bệnh viện FV và được giới thiệu về Trung tâm Điều trị Đau. Tại đây, bác sĩ Louis Brasseur - Trưởng trung tâm - đã trực tiếp thăm khám và điều trị thuốc kết hợp với vật lý trị liệu giúp làm mềm các nhóm cơ cho chị. Đồng thời, ông còn động viên, giúp chị bớt căng thẳng. 

Sau một tháng, chị Trân thấy cơ thể nhẹ nhàng hơn. Đến khi Bệnh viện FV nhập thiết bị kích thích từ xuyên sọ lặp lại (rTMS) thế hệ mới để điều trị những cơn đau mạn tính cho bệnh nhân, chị Trân là một trong những bệnh nhân đầu tiên được điều trị đau bằng phương pháp này. Sau một năm, chị gần như thoát khỏi căn bệnh dai dẳng, tình trạng đau căng cơ chỉ tái phát khi căng thẳng quá mức. Căn bệnh "lạ" tưởng chừng không thể cứu chữa đã được bác sĩ Louis Brasseur "hóa giải" một cách nhẹ nhàng, mang lại cuộc sống tốt hơn cho nữ bệnh nhân.

Khi tiếp nhận mỗi ca bệnh, vị Trưởng Trung tâm Điều trị Đau của Bệnh viện FV dành thời gian nghiên cứu kỹ bệnh sử, tình trạng đau và thói quen sinh hoạt. Bởi ngoài cơn đau thực thể, đau mạn tính còn liên quan đến những vấn đề khác như tâm lý lo lắng, căng thẳng (stress), mất ngủ.

Có trường hợp bệnh nhân tìm đến Trung tâm Điều trị Đau với triệu chứng đau mỏi toàn thân, đã điều trị bằng nhiều phương pháp mà vẫn không giảm. Sau khi nghiên cứu, ông khuyên cô thay đổi cách sinh hoạt theo hướng lành mạnh, khoa học hơn thì tình trạng bệnh cải thiện nhiều.

Louis Brasseur - Vị bác sĩ luôn trăn trở với từng cơn đau của bệnh nhân - 2
Bác sĩ Louis Brasseur trực tiếp đào tạo một thế hệ nối tiếp tại Trung tâm Điều trị đau, Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

"Nhiệm vụ của bác sĩ giảm đau là phải giải thích cho bệnh nhân hiểu bức tranh tổng quát về nguyên nhân gây đau và thuyết phục họ tháo gỡ từng mắt xích một. Đôi khi, chúng tôi phải nói chuyện rất lâu với bệnh nhân mới biết được gốc gác của cơn đau để điều trị", bác sĩ Louis chia sẻ.

Người thầy tâm huyết với nghề y

Là thế hệ nối tiếp do bác sĩ Louis trực tiếp đào tạo, bác sĩ Nguyễn Nam Bình dành sự kính nể đặc biệt cho vị trưởng khoa của mình. Điều lớn nhất cô học được ở ông là sự hết lòng dành cho bệnh nhân. 

Những ngày đầu làm việc tại đây, cô cứ chứng kiến bác sĩ Louis Brasseur luôn khẩn trương mỗi khi có bệnh nhân ung thư kêu đau, thậm chí 8-9 giờ tối ông cũng quay lại kiểm tra một lần xem họ còn đau hay không. "Lúc mới qua Bệnh viện FV công tác, mình cứ tự hỏi sao lại có một người bác sĩ tận tâm đến vậy. Bệnh nhân ung thư mà chưa có thuốc ngay, ông tìm mọi cách để bệnh nhân nhanh chóng giảm đau", bác sĩ Nam Bình nói.

Nhiều bệnh nhân đến khám mà không có tiền, bác sĩ Louis bỏ tiền túi để họ có thể thực hiện những xét nghiệm hoặc chụp ảnh chuyên sâu. Có lần, ông còn đến nhà thăm hỏi một bệnh nhân ung thư, khi biết bệnh cô trở nặng không thể đi lại.

Không chỉ cảm thông với từng cơn đau của bệnh nhân, bác sĩ Louis còn luôn trăn trở với việc đào tạo thế hệ kế thừa. Bởi trên thực tế, Việt Nam chưa đào tạo bác sĩ chuyên ngành về điều trị đau. Hầu hết các bác sĩ làm trong lĩnh vực này xuất thân từ chuyên ngành gây mê - hồi sức hoặc các khoa liên quan. Do đó việc tuyển bác sĩ điều trị đau rất khó khăn, vì công việc thách thức, nhiều thứ cản trở, từ việc đánh giá đau, tìm ra nguyên nhân gốc rễ sau mỗi ca bệnh đến việc thuyết phục các bác sĩ khác về công việc mình đang làm… 

Nên khi tìm được nhân sự phù hợp, bác sĩ Louis dành nhiều thời gian lẫn tâm sức để đào tạo và hỗ trợ họ phát triển. Ông kết nối với các chuyên gia đầu ngành tại Pháp và Thụy Sỹ, để học trò của mình tiếp cận thực tế, học hỏi các phương pháp điều trị đau tiên tiến trên thế giới. Ông cũng động viên các bác sĩ trẻ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm điều trị đau của bản thân. 

Đặt nền móng cho lĩnh vực điều trị đau thế giới

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Louis Brasseur là bác sĩ gây mê - hồi sức tại một bệnh viện lớn của Paris, Pháp. Trực tiếp chứng kiến nhiều bệnh nhân ung thư chịu đựng đau đớn sau mỗi lần truyền hóa chất, vị bác sĩ trẻ luôn bị thôi thúc bởi một ý nghĩ: phải làm gì đó để giúp họ.

Thời điểm đó, lĩnh vực điều trị đau chưa được chú trọng, thậm chí đau không được xem là một căn bệnh. Ông đã áp dụng các kỹ thuật điều trị đau ung thư như tiêm morphin ngoài màng cứng hoặc tủy sống, tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài và tự khai mở ra con đường riêng của mình. 

Louis Brasseur - Vị bác sĩ luôn trăn trở với từng cơn đau của bệnh nhân - 3
Bác sĩ Louis Brasseur có những đóng góp mở đường cho ngành điều trị đau của thế giới (Ảnh: FV).

Ông là một trong những người đầu tiên tham gia nghiên cứu sử dụng thuốc giảm đau theo cách thức mới và thuyết phục các giới chức kéo dài thời gian cấp thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Chẳng hạn với nhóm thuốc Opioid, trước năm 1990, đây là những loại thuốc không phổ biến tại Pháp. Bác sĩ chỉ kê đơn cho bệnh nhân ung thư với liều dùng hạn chế 7-10 ngày. Thông qua bằng chứng từ các nghiên cứu khoa học cộng thêm chuyên môn từ hội đồng chuyên gia tên tuổi quốc tế, ông và các đồng nghiệp cùng thời đã thuyết phục để Opioid được cung cấp cho bệnh nhân trong một tháng. Đây được xem là bước ngoặt trong điều trị đau tại Pháp nói riêng và thế giới nói chung.

Với những đóng góp mở đường cho ngành điều trị đau, năm 1990, bác sĩ Louis Brasseur được mời tham gia hội nghị do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức tại Geneva. Các ý kiến đưa ra tại hội nghị này được tổng hợp trong quyển Hướng dẫn điều trị đau ung thư do WHO phát hành, mà ông là một trong những người tham gia soạn thảo.

Ngoài điều trị đau ung thư, bác sĩ Louis Brasseur còn tham gia các khóa đào tạo điều trị đau mạn tính khác, nghiên cứu các kỹ thuật giảm đau mới như phương pháp phong bế thần kinh, kích thích từ xuyên sọ, cấy bơm giảm đau nội tủy…

Năm 1992, ông cùng đồng nghiệp thành lập khoa điều trị đau đa mô thức - điều trị đau kết hợp liên chuyên khoa - với sự tham gia của bác sĩ điều trị đau, nội thần kinh, cơ xương khớp, tâm thần, ung thư... Đây là mô hình được Hội Đau Thế giới (IASP) khuyến khích phát triển, tuy vậy không nhiều trung tâm điều trị đau trên thế giới làm được.

Nhiều năm gắn bó cùng FV, bác sĩ Louis Brasseur đặt ra mục tiêu đưa Trung tâm Điều trị Đau FV trở thành một trung tâm điều trị đau chuyên sâu để giúp nhiều người bệnh tại Việt Nam thoát khỏi những cơn đau dai dẳng, trả lại cho họ niềm vui với cuộc sống chất lượng hơn.

Ánh Thúy