Lời khuyên dinh dưỡng từ chuyên gia để chiến thắng bệnh tật

Dưới đây là cuộc trò chuyện với TS.BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy về quan điểm "bỏ đói tế bào ung thư" đang gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây:

Lời khuyên dinh dưỡng từ chuyên gia để chiến thắng bệnh tật - 1

Thưa TS.BS Lưu Ngân Tâm, dinh dưỡng đóng vai trò như thế nào với bệnh nhân đang điều trị ung thư? Hiện nay có một số quan điểm về việc "bỏ đói tế bào ung thư" hay "bỏ đói cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư", Bác sĩ nhận định như thế nào về quan điểm này?

TS.BS Lưu Ngân Tâm: Dinh dưỡng là vô cùng cần thiết đối với con người chúng ta nói chung chứ không chỉ với bệnh nhân hay bệnh nhân đang điều trị ung thư nói riêng. Một người khỏe mạnh bình thường bản thân cơ thể cần được cung cấp dinh dưỡng qua chế độ ăn để nuôi sống cơ thể thì với bệnh nhân ung thư, dinh dưỡng còn đóng vai trò quan trọng hơn để cơ thể có thể có đầy đủ sức khỏe để đáp ứng, chống chọi bệnh ung thư cũng như những tác động bất lợi từ các phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, quan điểm việc "bỏ đói tế bào ung thư" hay "bỏ đói cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư" là những quan điểm không đúng.

Chúng ta cần lưu ý, chúng ta điều trị cho một bệnh nhân ung thư chứ không điều trị khối u ung thư, do đó cần có sự phối hợp nhiều liệu pháp khác nhau trên một tổng thể của cơ thể. Việc điều trị ung thư cần tuân thủ theo điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa ung bướu; đồng thời cũng cần được cung cấp dinh dưỡng để duy trì sự sống, các tế bào sống trong cơ thể vẫn phải sống và thực hiện các chức năng, cần có chất dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch. Các bệnh nhân sau phẫu thuật cũng cần có chất dinh dưỡng để lành vết thương; có sức đề kháng để hồi phục; chất dinh dưỡng cũng là nguyên liệu để tạo nên các chất nội sinh giúp gắn kết các thuốc điều trị ung thư, nếu thuốc ung thư không được gắn kết nồng độ thuốc ở trạng thái tự do sẽ gia tăng và những tác dụng phục sẽ nặng nề hơn.

Một cơ thể khỏe mạnh nếu nhịn ăn trong khoảng thời gian 3 ngày thì cơ thể sẽ suy nhược, người lao động sẽ không lao động nổi, người già sẽ yếu sức dần thì với người bị ung thư chắc chắn sẽ bị suy sụp nghiêm trọng. Đôi khi các bác sĩ ung thư phải dừng biện pháp điều trị để cơ thể có thể phục hồi để tiếp tục điều trị, việc gián đoạn này ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của cả liệu trình điều trị dài hơi, giảm hiệu quả điều trị.

Đối với các bệnh nhân lớn tuổi mắc ung thư nếu chúng ta bỏ đói bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ suy sụp rất nhanh, bệnh nhân rất nhanh chóng yếu sức và có thể bệnh nhân sẽ tử vong vì suy dinh dưỡng, tử vong vì đói chứ chưa tử vong vì ung thư. Đã có nhiều bằng chứng thống kê cho thấy, có đến 20-30% bệnh nhân ung thư chết do suy kiệt nặng do suy dinh dưỡng quá nặng dẫn đến cơ thể yếu sức, các cơ quan sống kiệt sức và bệnh nhân tử vong chứ không phải do tác động của ung thư. Chúng ta cần điều trị cho bệnh nhân ung thư chứ không phải điều trị cho khối u ung thư nên dinh dưỡng là vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị ung thư cũng như sau điều trị ung thư.

Lời khuyên dinh dưỡng từ chuyên gia để chiến thắng bệnh tật - 2

Vậy theo bác sĩ đâu là một chế độ dinh dưỡng đúng và phù hợp cho bệnh nhân ung thư?

TS.BS Lưu Ngân Tâm: Để có một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân ung thư cần có sự đánh giá dựa trên thể trạng, tình trạng bệnh của từng bệnh nhân cụ thể; đối với những người bạn có thể trạng cân đối, tình trạng dinh dưỡng bình thường khi phát hiện bị ung thư hoặc trong quá trình điều trị ung thư ở giai đoạn sớm mà không xuất hiện tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng thì cũng không cần phải đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, với nhóm bệnh nhân này cần một chế độ dinh dưỡng đa dạng, cân đối, gia tăng tỷ trọng của chất đạm cũng như các thành phần có chứa các chất chống oxy hóa từ rau củ, trái cây cùng chế độ tập luyện phù hợp; nhưng đối với trường hợp bệnh lý ung thư gây nên tình trạng sụt cân ở bệnh nhân cũng như bị sụt cân trong quá trình điều trị do ăn uống kém, kém hấp thu do phẫu thuật, do tác dụng phụ của thuốc hay do các yếu tố tâm lý liên quan… thì cần bổ sung dinh dưỡng cho nhóm bệnh nhân này ngoài bữa ăn chính để bệnh nhân có đủ năng lượng, protid, lipid, glucid và đặc biệt là các khoáng chất, các chất chống oxy hóa… là rất quan trọng.

Khẩu phần của bệnh nhân ung thư có thể trạng bình thường hay cần tăng cường dinh dưỡng đều cần lưu ý: lượng tinh bột đường phải ở mức vừa phải, tăng khoảng 20-30% lượng gram protein từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ… so với người bình thường, đối với người suy dinh dưỡng nặng, sụt cân nặng, nhu cầu protein có thể gia tăng lên đến 50% . Không cần hạn chế chất béo đối với bệnh nhân ung thư, tuy nhiên với những người lớn tuổi có rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch thì nên ưu tiên sử dụng các thành phần chất béo từ thực vật so với sử dụng các chất béo từ động vật; nguồn chất khoáng, vitamin nên tăng cường từ các thành phần rau củ quả, nên ăn trái cây tươi thay vì uống nước ép để tối ưu nhất các thành phần dinh dưỡng có trong thực phẩm cũng như bổ sung thêm chất xơ giúp cải thiện vấn đề liên quan đến tác dụng phụ trong vấn đề tiêu hóa trong quá trình hóa trị, xạ trị, cũng như duy trì hệ vi sinh đường ruột giúp duy trì miễn dịch và tăng cường miễn dịch. Việc sử dụng các dạng bổ sung chất chống oxy hóa, hỗ trợ miễn dịch, tăng cường đề kháng từ các protein, vitamin, khoáng chất… có thể mang đến nhiều tác động tích cực đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, việc bổ sung như vậy cần được sự tư vấn bởi các bác sĩ chuyên môn để đảm bảo phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.