Lơ là uống thuốc, bị tụ máu ở tim

(Dân trí) - Bị rong kinh nhưng do vừa phẫu thuật van tim cách đó 8 tháng nên sau khi điều trị gần 10 ngày không đỡ, bệnh nhân L.T.N (Hà Tĩnh) được chuyển ra BV Việt Đức (Hà Nội). Các bác sĩ phát hiện chị bị kẹt van tim, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, trưởng khoa Tim mạch và Lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết, bệnh án tuyến dưới chuyển lên ghi bệnh nhân này đang điều trị rong kinh. Nhưng khi đưa vào Việt Đức, chúng tôi nhận ra “người quen” vì trước đó 8 tháng, bệnh nhân này được phẫu thuật thay van tim tại khoa. Sau khi tiến hành siêu âm thực quản, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị kẹt van tim do có huyết khối. Tình trạng này khiến bệnh nhân bị doạ phù phổi và khó thở, không phẫu thuật sẽ tử vong ngay. Vì thế, ngay lập tức, bệnh nhân được phẫu thuật thay van tim mới.

Theo TS Ước, biến chứng kẹp van tim khá thường gặp và rất đáng sợ sau thay van tim. Nguyên nhân thường do người bệnh không điều trị thuốc chống đông máu đầy đủ theo lời dặn của thầy thuốc, dù uống thuốc này, chi phí chưa đầy 20 ngàn đồng một tháng. “Chủ yếu là người bệnh thấy khoẻ khoắn thì chủ quan không đi khám lại nên không dùng thuốc chống đông máu đầy đủ. Ở bệnh nhân thay van tim buộc phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời, nhưng không thể kê theo một đơn chuẩn mà thường xuyên phải tái khám yếu tố đông máu để điều chỉnh lượng thuốc, vì thế, người bệnh cần đi khám để loại bỏ nguy cơ này, có thể gây tử vong cho bệnh nhân bất cứ lúc nào”, TS Ước cảnh báo.

Theo đó, khi yếu tố đông máu trở lại gần như người bình thường do không dùng thuốc, trong tim dễ bị tụ máu (huyết khối) làm kẹt cứng van tim. Có những trường hợp van tim bị kẹt cứng ngay lập tức, trong một vài giây, huyết khối bịt lỗ van khiến bệnh nhân bị ứ máu cấp tính ở phổi, gây phù phổi cấp, dẫn đến chết đột tử. Còn bị kẹt van từ từ, diễn ra trong vài ngày thì diễn biến suy tim cấp, phù phổi, khó thở nên thường được đưa đi cấp cứu và phẫu thuật kịp thời.

Trường hợp bệnh nhân này, các bác sĩ nhận định, do tập trung điều trị rong kinh nên việc uống thuốc chống đông bị lơ là. Bệnh nhân bị kẹt van khoảng 5 – 7 ngày mới nhập viện trong tình trạng suy tim nặng và doạ phù phổi. Sau khi được phẫu thuật thay van tim mới, bệnh nhân hồi phục tốt.

TS Ước khuyến cáo, người bệnh sau mổ thay van tim bắt buộc phải đi kiểm tra yếu tố đông máu thường xuyên theo đúng lịch hẹn của bác sĩ và phải uống thuốc chống đông máu suốt đời, tránh nguy cơ biến chứng tăng đông hay giảm đông máu đều rất nguy hiểm. Nếu yếu tố đông máu như ở người bình thường thì dễ gây huyết khối trong tim gây kẹt van tim. Còn nếu giảm đông do dùng thuốc quá liều thì dễ gây biến chứng chảy máu não, chảy máu tiêu hoá… rất nguy hiểm và việc điều trị cũng lại khó khăn do phải dùng thuốc đông máu, có thể gây biến chứng huyết khối ở tim.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm