Liệu hệ vi sinh khỏe mạnh có tiềm ẩn nguyên nhân gây ung thư?
(Dân trí) - Bên cạnh những mầm bệnh đã được biết đến từ lâu nay, liệu trong hệ vi sinh của con người, có một kẻ thù giấu mặt nào cũng góp phần vào sự phát triển của ung thư hay không?
Mặc dù nền y học đã có sự phát triển đáng kể trong các phương pháp phòng ngừa và điều trị ung thư, nhưng số người tử vong vì căn bệnh nan y này vẫn tăng dần theo từng năm.
Trong suốt một thời gian dài, một số loại virus hay vi khuẩn nhất định được xem là có nguy cơ gây ung thư. Cụ thể có 3 loại virus và 1 loại vi khuẩn được xem là yếu tố nguy cơ của căn bệnh này, bao gồm: virus HPV, virus viêm gan B, virus viêm gan C và vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) thường tìm thấy trong dạ dày.
Tuy nhiên, bên cạnh những mầm bệnh đã được biết đến từ lâu nay, liệu trong hệ vi sinh của con người, có một kẻ thù giấu mặt nào cũng góp phần vào sự phát triển của ung thư hay không?
Một nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi GS Thomas Bosch, Đại học Kiel đã đi sâu vào tìm hiểu vấn đề này, bằng cách tiến hành nghiên cứu trên một động vật thuộc chi thủy tức có tên là Hydra nước ngọt.
“Hydra sẽ phát triển ung thư nếu một loài xoắn khuẩn đột nhiên tăng nhanh về số lượng trong môi trường sống, từ đó phá vỡ đi sự cân bằng vi sinh trong các mô của Hydra. Điều thú vị là loài xoắn khuẩn này chỉ gây ra tác động tiêu cực, khi có sự hiện diện của một loài vi khuẩn đặc trưng khác thuộc chi Pseudomonas, vốn là một thành phần của hệ vi sinh khỏe mạnh”, GS Thomas Bosch cho biết.
Theo phân tích của nhóm tác giả, khi gặp nhau, 2 loại vi khuẩn kể trên sẽ có sự tương tác mạnh mẽ, từ đó chúng sẽ thay đổi về hành vi một cách đáng kể. Bên cạnh đó, cả 2 sẽ cùng biểu hiện thông tin di truyền khác với thông thường và trở thành tác nhân gây bệnh cho vật chủ. Chính vì những sự thay đổi này, hệ vi sinh trong các mô của Hydra bị rối loạn, dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc tế bào và xa hơn là sự hình thành của khối u.
“Sự tương tác diễn ra ở cấp độ phân tử và cách các hóa chất sinh học tham gia vào cơ chế phát triển ung thư này, chính là vấn đề mà chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu” - GS Thomas Bosch nhấn mạnh.
Nghiên cứu của GS Thomas Bosch và cộng sự đã mở rộng thêm hiểu biết của con người về các tác nhân có thể gây ung thư, cụ thể trong trường hợp này là sự tương tác giữa các vi sinh vật. GS Thomas Bosch kết luận: “Nghiên cứu này bên cạnh khám phá thêm các nguyên nhân gây ung thư, thì còn mở ra một hướng tiếp cận mới trong cách phòng ngừa căn bệnh này, đó chính là tạo lá chắn bảo vệ ngay từ hệ vi sinh trong cơ thể chúng ta. Khi hệ vi sinh của cơ thể được cân bằng nó sẽ có tác dụng bảo vệ chúng ta khỏi những tác nhân gây hại, trong đó có cả tác nhân gây ung thư”.
Chuyên gia này cũng cho biết, ông và các cộng sự của mình cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu, để tìm hiểu rõ hơn về cơ chế hình thành ung thư, xuất phát từ sự tương tác của các vi sinh vật, cũng như mở rộng thêm danh sách các loại vi khuẩn có thể tham gia vào quá trình này.
Minh Nhật
Theo MedicalXpress