Lật tẩy chiêu bài “hiến vườn thiêng cho Nhà nước”

TS Vũ Thế Khanh đã cùng nhiều nhà khoa học khác trực tiếp trải nghiệm “khu vườn kỳ lạ” để phơi trần sự kỳ lạ của nó.

Sau loạt bài trải nghiệm của phóng viên về “Khu vườn kỳ lạ” ở Long An, tòa soạn đã nhận được bài của TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học tin học và ứng dụng (UIA) - đơn vị đã cùng Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, Trung tâm bảo trợ Văn hóa kỹ thuật truyền thống nghiên cứu về vấn đề này.

 

Lót tiền để lọt vào vườn

 

Tôi đã được nghe kể khá nhiều điều “kỳ lạ” về khu vườn lạ thuộc ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, Đức Hòa, Long An. Điều làm tôi tò mò hơn là vì những lời kể đó lại xuất phát từ những người trước đây đã từng là cán bộ cao cấp nay đã về hưu, hoặc những học giả với chức danh “nhà nghiên cứu”...

 

Trong một chuyến đi công tác tại TPHCM, chúng tôi được các cán bộ của Trung tâm nghiên cứu Năng lượng sinh học (đơn vị trực thuộc của Liên hiệp khoa học UIA), “công đức” cho một chuyến xe 12 chỗ ngồi để đi khảo sát “khu vườn kỳ lạ”.

 

Tuy cố gắng đi sớm “cho mát”, nhưng đến nơi thì chẳng mát chút nào, vì cái nắng mùa hè cộng với không khí tấp nập hàng ngàn người ra, vào chen nhau trên con đường băng qua cánh đồng cát (hai xe tránh nhau là khó), bụi bốc lên mịt mù. Càng gần “khu vườn kỳ lạ” càng náo nhiệt, hàng trăm xe ô tô nhộn nhịp, còn xe máy thì phóng vù vù, lạng lách, hối hả (nhất là cái đám xe “ôm” ).

 

Căn cứ vào số xe ô tô, xe máy thì phải có hàng ngàn người đến đây mỗi ngày. Vì người quá đông nên chen chân vào “khu đặc trị” cũng không phải dễ. Tuy nhiên, chỉ cần mua một tập tài liệu khoảng hơn chục trang photocopy giới thiệu về “thánh tích” của khu vườn là có thể “lọt qua vòng sơ khảo”.

 

Đoàn khảo sát của chúng tôi có cả các nhà phong thủy học và một số nhà ngoại cảm tài năng. Chúng tôi dặn nhau cố gắng làm sao để “không bị lộ diện”. Tôi tỏ ra “hào phóng và tín tâm”, rút ra tờ 50 nghìn để xin tập tài liệu (mặc dù tài liệu này mọi người chỉ cần mua 5 nghìn), nên được một người tên là Hữu đặc cách dẫn vào tận “bản doanh”. Sau này tôi mới biết anh ta là “anh rể” của “người đặc biệt” tên là Kim Hồng. Trung tâm khu vườn, có đặt các bồn chứa nước (bơm từ giếng khoan). Tuy thể lệ là “uống tự do”, nhưng tôi vẫn “tế nhị và tự giác” góp tiền một cách hào phóng nên càng được các thành viên gia đình chủ vườn đặc biệt ưu đãi.

 

Đoàn chúng tôi được ung dung đi khảo sát mọi vị trí được coi là “linh địa” của khu vườn. Thậm chí, chúng tôi còn được vào “ngồi thiền” trong một “căn phòng đặc biệt” và được dẫn đi “kiểm chứng” một bức tường “thánh linh” khi sờ tay vào “vẫn mát” mặc dù thời tiết đang là mùa hè.

 

Có hàng trăm người đang ngồi bệt xếp bằng kiểu đang “thiền”, lưng áo đầm đìa mồ hôi, miệng lẩm nhẩm điều gì không rõ. Có một vài người còn làm động tác “đắc khí” giống như trạng thái tập khí công của phương pháp Bùi Long Thành.

 

Chiêu bài: “Hiến vườn thiêng cho Nhà nước”

 

Sẵn có “tín chấp” bằng các cử chỉ phóng khoáng và hào hiệp, tôi được chủ nhà đon đả tâm tình những điều “thiêng liêng” nhất. Chủ nhà đặc biệt ưu ái cho tôi xem “hồ sơ lưu niệm” của một số vị “tai to mặt lớn”, một số lời “cảm ơn, cảm tưởng” thật tha thiết, xúc động, một số “bệnh án” chứng minh “kỳ tích” của khu vườn, thậm chí còn có cả những cuốn ảnh chụp được cả “cầu vồng, linh quang” giáng xuống khu vườn. Chủ nhà còn nhấn mạnh rằng, chỉ có “thiên sứ” mới có khả năng như vậy. Tất nhiên, những ảnh chụp và cảnh quay ngược sáng này chỉ lòe được những người thiếu hiểu biết về quang học mà thôi.

 

Với vẻ “tâm phục khẩu phục, tôi hỏi:

 

- Này, tại sao ở đây lại “linh thiêng” như vậy?

 

- Là do “bề trên” sắp đặt đấy! Người đàn ông cầm máy quay camera nói nhỏ vào tai tôi ra vẻ rất huyền bí.

 

- Khu vườn có long mạch linh thiêng như vậy sao lại còn tuyên bố “hiến” cho Nhà nước thì có phải phí đi không? Nhỡ Nhà nước họ lấy rồi họ phá long mạch đi thì sao?

 

- Bác thật thà quá, mình tuyên bố như vậy để các quan chức thấy rằng mình “vô tư, khách quan và không phải vụ lợi cá nhân” mà thôi. Mình có lòng thành “hiến” mảnh vườn này thì Nhà nước cũng chẳng lấy đâu, mà cho dù Nhà nước có tiếp nhận đi chăng nữa thì càng chứng tỏ “đã công nhận sự linh thiêng” của khu vườn rồi!

 

Tôi gật gù tỏ vẻ thán phục sự “cao mưu” của gia chủ khi dùng chiêu bài tuyên bố “hiến vườn thiêng cho Nhà nước”. Và cũng từ sự tiết lộ nguyên nhân “do bề trên sắp đặt” ấy mà giúp cho cuộc khảo nghiệm của chúng tôi nhanh chóng tìm ra cốt lõi của sự việc.

 

Chân tướng của trò giăng bẫy và cò mồi

Nguyễn Thị Kim Hồng (quần áo bó màu xanh) đang chụp hình trong vườn.

Nguyễn Thị Kim Hồng (quần áo bó màu xanh) đang chụp hình trong vườn.
 

Được chủ nhà “ưu ái”, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu để “khám phá”. Đoàn của chúng tôi không chỉ được giới thiệu hình ảnh, băng quay video, lưu bút, kỷ vật... mà còn được gặp một số “nhân chứng sống” đang có mặt tại đây. Sợ chưa đủ thuyết phục, có người còn mang cả “y bạ, bệnh án” để khoe sự kỳ diệu. Có người còn say sưa diễn trình về việc được thấy các hào quang. Đặc biệt có người bị câm mà bất ngờ nói được “mẹ ơi” tuy trong âm điệu vẫn còn pha chút “ngọng nghịu”. Một người phụ nữ tuổi trung niên thấy “sự kỳ diệu” này liền chen vào chúc mừng và cho 50 nghìn, những người khác thấy vậy cũng ùa theo “chúc mừng” bằng tiền tùy theo hảo tâm của từng người.

 

Tôi chờ cho người này quay đi và cách một khoảng khá xa, rồi gọi nhỏ: “à này”, nhưng thật bất ngờ, bằng phản xạ tự nhiên cô này quay ngoắt lại rất nhanh. Tôi đã có kinh nghiệm tiếp xúc với những người câm, thường đã “câm” thì kèm theo là “điếc”. Nhưng thính lực của người này còn siêu hơn cả người bình thường, thế thì chiêu bài “chữa câm” đâu phải là “bằng chứng” xác thực!

 

Từ đấy chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, mới phát hiện ra một nhân vật có vai trò đặc biệt (điều mà ít người để ý), đó là cô Nguyễn Thị Kim Hồng (con gái chủ vườn),  một trong những chủ mưu của trò này. Cô ta đã từng lập ra một khu vườn như thế ở Tân Biên (Tây Ninh) và đã từng bị bắt ngày 12/6/2003, bị phạt tù 12 tháng với tội danh “hành nghề mê tín dị đoan”.

 

Vậy là đã rõ, hóa ra “kỳ tích vườn Long An” chẳng qua chỉ là chiêu đạo diễn của người có “tay nghề” trong lĩnh vực “hành nghề mê tín dị đoan”. Việc tung tin “sự linh ứng” của khu vườn chỉ là màn dạo đầu để cổ súy tiến tới việc lập ra một tà đạo mới nào đó, và lúc đó chắc chắn sẽ có xuất hiện một người tự xưng là “sứ giả” của cái gọi là “bề trên” ấy! Hãy chờ xem!

 

Danh tiếng của Khu vườn kỳ lạ đã “giải quyết công ăn việc làm” cho hàng ngàn người ăn theo: nào là hệ thống ô tô khách, taxi, xe ôm, hàng quán, nhà trọ, cò mồi, in ấn tài liệu, “hướng dẫn nghi thức”, trông giữ ô tô xe máy…, thậm chí rửa mặt, tiểu tiện, ghế ngồi nghỉ tạm cũng phải tiền.

 

“Chu đáo” hơn nữa là một chiếc giường chỉ đủ một người ngả lưng qua đêm vào thời điểm “nhạy cảm” cũng “nhẹ nhàng” từ 55 đến 70 ngàn đồng, thuê một chiếc võng mắc vào cây để nằm qua đêm cũng “chỉ khoảng” 15 đến 20 nghìn.

 

Đặc biệt, còn hình thành một đội ngũ dịch vụ kinh doanh kếch xù là buôn bán đầu cơ đất đai từ đất ruộng rồi đổ đất tôn nền để cho thuê mở quán, lập nhà trọ và bãi giữ xe… Việc mua đất kinh doanh tại đây chỉ góp phần gây thêm lộn xộn, mất an ninh trật tự cho địa phương.

 

Theo TS Vũ Thế Khanh

Khoa học & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm