Lao đao vì thẩm mỹ
Với phụ nữ, làm đẹp luôn là sự nghiệp cao cả, vĩ đại.
Tôi đến nhà lúc cô Tú đang ngồi soi gương. Mỗi ngày, cô phải mất chí ít là nửa tiếng để ngắm nghía sắc đẹp của mình. Cô, cũng đồng bệnh tương lân như một nửa số phụ nữ trên trái đất này là say mê nhan sắc của chính mình và thích làm đẹp. Một nửa số còn lại chỉ dám nhận thầm là mình có nét đẹp và cũng mê làm đẹp nhưng vì không có thời gian hoặc không có… tiền để làm đẹp- tất nhiên, phụ nữ mà.
Thế nhưng, hôm nay cô dành hẳn một tiếng để soi gương. Lý do: Cô Tú chuẩn bị chia tay với cái mũi cũ, nhận về một “nàng mũi” mới. Sửa mũi thì có gì đâu? Thiên hạ chán vạn người đi sửa mũi đấy thôi! Ơ, đó là chuyện của thiên hạ. Với Tú, đây là chuyện quan trọng của cả đời người, hệt như một cuộc cách mạng vậy. Thử đi hỏi một ngàn người… lẻ một coi, nâng một cái mũi lên một tầm cao mới có phải là khúc quanh cho một số phận hay không?
Đằng sau chuyện cô Tú đi sửa mũi
Mà cô Tú đi sửa mũi cũng có lý do của nó và tôi sẽ “bật mí” cho chư vị cùng nghe để rút kinh nghiệm… Tôi đang kể đến đâu nhỉ? À, chuyện cô Tú thích soi gương.
Thông thường khi bạn soi gương để ngắm mình, bạn sẽ tìm ra được điều gì. Với những phụ nữ soi gương tầm 5 phút một ngày sẽ phát hiện ra được một điểm đẹp, một điểm trung bình và một điểm chưa được ổn lắm (không nên đánh giá thẳng thừng là xấu) trên khuôn mặt bạn. Người soi gương 15 phút một ngày chắc sẽ tìm được gấp đôi...
Còn người như cô Tú, chắc hẳn, dù có nhắm mắt cũng vẽ được khuôn mặt cô thế nào (với điều kiện cô phải là họa sĩ cơ!). Cô luôn tự nhận xét và chấm điểm từ tóc tai, mắt mũi môi, đồng điếu cho đến cả cái mụn ruồi nhỏ xíu đánh rơi nơi đuôi mắt lúng liếng kia… tất cả đều trên 7, duy nhất chỉ có cái mũi là hơi tệ. Cô Tú tránh săm soi cái mũi của mình nhất khi soi gương: sống mũi thấp, chóp mũi không gôm cho lắm làm khuôn mặt cô có cảm giác như bị gãy.
Với tôi và một số bạn bè của cô đều cho rằng mũi cô như thế là ổn, hợp với khuôn mặt tròn của cô nhưng cô Tú thì cứ khăng khăng, giá như đó là một cái mũi dọc dừa và chóp mũi cao một chút, trông cô với Minh Hằng sẽ giống hệt như chị em sinh đôi vậy.
Hai ngày trước cô Tú đi xem bói. Bà thầy tấm tắc khen cô đủ đường tốt lành nhưng lại phán một câu xanh rờn: Số cô sẽ tốt hơn nếu đừng có bị cái mũi phá tướng. Nguyên văn câu nói của bà thế này: “Số của nữ về tình duyên, hậu vận đều thấy tốt nhưng tại vì cái lỗ mũi nữ thuộc loại mũi chó, nếu không thay đổi gặp tình gãy tình, gặp việc hư việc hoặc không suôn sẻ, hay vướng vào trắc trở. Muốn giải cái hạn đó chỉ còn cách đi sửa mũi thì sau này duyên của nữ mới đượm bền, lập gia đình mới vượng phu, ích tử, bách niên giai ngẫu…”.
Như để khẳng định điều bà phán là chuẩn xác, bà gọi một cô gái trạc tuổi cô Tú sang cho xem. Ôi, cái mũi của cô nàng mới đẹp làm sao, hệt như một tác phẩm nghệ thuật vậy. Bà kể rằng trước đây mũi của cô ta cũng giống mũi Tú nên vợ chồng lấy nhau cứ lục đục mãi, khó ăn nên làm ra. Từ ngày sửa mũi, gia đình êm ấm, buôn bán thuận chèo mát mái… Tú nghe thấy mà mát cả ruột gan, chỉ muốn bứt phăng cái mũi của cô nàng gắn qua mặt mình.
Sau đó, Tú còn được bà thầy và cô gái ấy tư vấn cho địa chỉ dịch vụ sửa mũi đàng hoàng, họ luôn miệng khen dịch vụ này đàng hoàng và rẻ. Thậm chí hôm qua, cô Tú còn được bà sốt sắng dẫn đến tận nơi để kiểm tra, còn hôm nay sẽ tiến hành phẫu thuật. Do đó, cô Tú mới gọi tôi nhờ chở cô đi cùng.
Đó là một dịch vụ chuyên về chăm sóc sắc đẹp, săn sóc da và buôn bán mỹ phẩm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5. Chỉ việc lườm qua, tôi đã biết ngay rằng đây là một dịch vụ thẩm mỹ chui. Trời ơi, dịch vụ chui thì cũng đủ đầy một rừng trong thành phố hơn 8 triệu dân này. Đã quá nhiều chuyện tôi đã được đọc, được nghe về chất lượng và trình độ của loại dịch vụ này. Ấy nhưng bây giờ mà cản cô Tú thì cũng chẳng đời nào cô Tú nghe. Lòng quyết tâm của cô đang hừng hực như cái nồi áp suất đạt đỉnh 1000 át- mốt- phe mà. Vả lại, đây cũng chỉ là một ca tiểu phẫu, không đến mức bơm, chọc ba cái chất silicon quái quỷ vào người nên tôi đành im.
Ca sửa mũi của cô không đầy tiếng. Tôi lặng lẽ dắt xe chở cô Tú về và chuyện sẽ chẳng còn gì để nói nữa nếu buổi trưa hôm ấy, điện thoại cô không rung lên bần bật với một dòng tin nhắn: Em đã để 1 triệu tiền dẫn mối của chị ở tiếp tân, chị ghé lấy nhé… Số điện thoại nhắn tin gửi từ máy của bà hồi sáng mặc áo blue trắng, tự xưng là bác sĩ thẩm mỹ, trực tiếp cầm dao kéo làm cho Tú. Có lẽ bà nhắn nhầm số…
Cò thẩm mỹ, họ là ai?
Nhờ trời, cái mũi của cô Tú sau nửa tháng vẫn chấp nhận sống chung với khuôn mặt của cô, không phản bội lại những người khai sinh ra nó cho dù sau đó, Tú vẫn chưa thành Minh Hằng thứ hai. Nhờ cô Tú, tôi phát hiện ra một cái nghề cũng khấm khá, dễ kiếm tiền bởi sự ngây thơ, nhẹ dạ của thiên hạ là cò thẩm mỹ. Tất nhiên làm cò cho những dịch vụ thẩm mỹ chui thôi chứ tôi cũng chưa nắm rõ các cơ sở thẩm mỹ đàng hoàng liệu có cần đến sự giúp đỡ của các tay cò hay không?
Cò thẩm mỹ, qua tìm hiểu của tôi thì không có một mức thù lao hay lương bổng nào nhất định. Tất cả tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa dịch vụ và cò nhưng tối thiểu cũng là 10% phí… mà mọi giá cả của dịch vụ có hề rẻ đâu, chí ít như cắt mí cũng đã hơn hai triệu đồng. “Nhờ đó mà làm cò thẩm mỹ sống cũng khỏe”, một cò thẩm mỹ chia sẻ. Tuy vậy, để trở thành một cò thẩm mỹ không hề đơn giản.
Muốn làm cò thẩm mỹ, bạn phải đội thêm một lớp áo, tức phải khoác bên ngoài của bạn một nghề nào đấy “hợp pháp” và thường xuyên được cận kề với phái đẹp (thứ nhất). Chẳng hạn như nghề trang điểm, làm tóc, làm móng hay ít nhất là bán quần áo thời trang… Ngoài ra, mức độ tin tưởng của thân chủ vào cò phải thật cao (thứ hai). Nghề bói toán rất được tín nhiệm ở khoản này, nếu không là dân phó nháy chuyên chụp ảnh chân dung (xin lỗi nếu có bạn bè nhiếp ảnh nào không nằm trong số này)… Cuối cùng, cò phải có khoa ăn nói để thuyết phục và nâng tầm chất lượng dịch vụ, phải đánh giá được con mồi về khả năng tiền bạc và ước nguyện cũng như niềm khao khát đến mức nào trong họ. Thậm chí cò còn sẵn sàng đứng ra làm “người tốt”, cho các con mồi vay tiền khi có nhu cầu nhưng lại rách hầu bao tuy nhiên đủ tiềm năng trả nợ.
Tôi có một người bạn làm nuôi cá thuộc vào tầm đại gia ở An Giang. Tưởng làm nghề nông vất vả nhưng do làm chủ nên chị ta cũng rất an nhàn. Sáng đánh xe (xe bốn bánh đàng hoàng) chở con đi học, sau đó ghé ăn sáng, uống cà phê với các bà vợ cũng của các đại gia, hoặc nuôi cá, hoặc làm nghề cho vay, đáo hạn ngân hàng hoặc giới thầu đề, banh bọng, hụi hè. Thi thoảng, họ tụ tập nhà ai đó giải buồn bằng môn tứ xắc nhưng thường nhất là tám với nhau về các ông chồng, con cái.
Một trong các chủ đề rất được quan tâm là: làm cách nào để giữ được chồng. Bí quyết mà chị đưa ra để truyền đạt cho bạn bè là phải tích cực tân trang, tu bổ sắc đẹp cho mình. Dẫn chứng hùng hồn và thuyết phục nhất chính là sắc đẹp búp bê (dù đã bước vào lứa tuổi 40) do thường xuyên mông má của chị. Mưa dầm thấm đất, toàn cỡ đại gia tiền tỷ, một ngày, số tiền của các ông chồng đổ xuống cho cá ăn đã cỡ trên trăm triệu thì việc làm đẹp chút đỉnh để làm rạng ngời mặt đức lang quân cũng là chính đáng thôi… các bà ra sức sửa theo lời người xung quanh góp ý. Mỗi tháng, chị đều đều tổ chức hai đoàn xe hướng dẫn vài mợ lên chọc cắt một cái gì đấy. Chị tiết lộ rằng riêng khoản này, mỗi tháng chị cũng kiếm được dăm mười triệu ngon ơ mà có ai biết đâu. Cả bên chọc lẫn bên bị chọc, cả hai cứ rối rít cảm ơn chị như đúng rồi. Rõ sướng.
“Sống chết mặc bây”
Tôi hỏi chị: “Dịch vụ mà chị dẫn bạn bè đến chắc phải nổi tiếng và uy tín lắm nhỉ?”. Chị cười: “Dịch vụ ma mà nổi tiếng cái nỗi chi. Thế nhưng được cái, chưa xảy ra chuyện gì trầm trọng. Giả như có lệch một tý, quá tay một tý thì làm lại, thế thôi. Mình giao hẹn với họ rõ ràng: Mình chỉ đưa khách lại, còn thì dịch vụ và chính bản thân bác sĩ giải phẫu phải chịu trách nhiệm về công việc. Mình không liên quan”. “Vậy sao chị không dẫn đến những cơ sở lớn cho chắc ăn?”. Chị trợn mắt: “Chắc ăn gì. Đến những cơ sở ấy thì mình còn cơm cháo gì được nữa, giá cả rõ ràng rồi”. Tôi cố “giả nai” hỏi chị thêm: “Thế nhỡ may một trong những người chị dẫn đi tân trang sắc đẹp mà có bị gì thì sao. Báo chí cũng đưa tin nhiều về khả năng của các tay bác sĩ làm chui đó thôi, có trường hợp để di chứng, thậm chí là chết người kìa?”. Chị phủi tay: “Vạn người đi giải phẫu thẩm mỹ mới một vài trường hợp xui xẻo. Bác sĩ người ta có trách nhiệm cả. Họ không lo thì thôi, mình lại đi lo. Mình chẳng liên can gì cả”. Hết biết.
Thực tế, thẩm mỹ chui như một cái bẫy mà nhiều phụ nữ do quá tin tưởng nên đã chui vào và mắc kẹt. Điều này phổ biến ở giới thẩm mỹ bình dân… Những cô gái quê mới lên thành phố làm những cái nghề không mong muốn như bia ôm, karaoke ôm, hay phục vụ nhà hàng, cà phê… nhẹ dạ, tin lời mấy tay cò dạo, sẵn sàng chấp nhận bị chọc, cắt với giá cực rẻ… Mà trình độ của những tay giải phẫu này ngang cỡ lang xóm chuyên nghề chích heo. Họ luôn cho silicon là một thứ chất phù thủy, giúp cải thiện được mọi nhan sắc bình thường. Họ sẵn sàng bơm thứ chất ấy vào bất cứ chỗ nào thiếu hụt trên người các cô gái và để xảy ra vô vàn điều đáng tiếc về sau…Còn nhiều chuyện đau lòng hơn điều tôi đang kể.
Có một lời khuyên của tôi đối với các bạn rõ ràng thế này: Sắc đẹp là điều đáng quý đối với một người phụ nữ, nhưng sức khỏe còn đáng quý hơn nhiều. Hãy luôn cân nhắc thật kỹ càng trước khi một mũi kim hay đường dao nhát kéo chạm vào thân thể bạn…
Theo Nhất Lang
Sức khoẻ & Đời sống