Lặng lẽ những blue trắng làm cấp cứu
(Dân trí) - Các bác sĩ cấp cứu luôn trong tư thế sẵn sàng “chạy đua với thần chết” để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Thế nhưng không bao giờ họ cảm thấy nản chí.
Không đêm nào ngủ được
Bác sĩ Thanh đang khám để chuẩn đoán bệnh của bệnh nhân vừa được đưa vào phòng cấp cứu
Đó là công việc mà đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên phòng Cấp cứu, khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) vẫn làm hàng trăm lần mỗi ngày.
Phòng Cấp cứu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng một buổi chiều cuối tháng Giêng. Bên trong, các bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ lý đi lại như con thoi với công việc cấp cứu cho hàng chục bệnh nhân. Phía ngoài, người nhà bệnh nhân đang đi đi lại lại lo lắng, bồn chồn không yên.
Có khoảng 30 bệnh nhân đang nằm cấp cứu tại đây. Phía đằng này, một bệnh nhân khoảng 40 tuổi khó thở đang được bác sĩ Thanh khám. Đằng kia, một bé gái đang đau bụng quặn quoại kêu rên rỉ đang được bác sĩ Đình thăm khám. Thỉnh thoảng tiếng xe cấp cứu lại hú lên lao vào cổng.
Là một người làm việc lâu năm trong nghề, phải yêu nghề và tận tâm với bệnh nhân chị Hà Châu Thanh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng mới “trụ” lại được đây. Những bác sĩ cùng lứa tuổi như chị hầu như đã chuyển công tác cả vì công việc ở đây “quá vất vả và áp lực”.
“Đây là bệnh viện tuyến trên nên chúng tôi luôn bị áp lực quá tải về bệnh nhân. Không chỉ các bệnh nhân ở các tuyến dưới có tâm lý lên tuyến trên cho yên tâm mà các bệnh nhân ở các tỉnh lận cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng chuyển ra”, bác sĩ Thanh cho biết.
Điều dưỡng viên Lê Thị Vui cười nói: “Nói cấp cứu nên luôn túc trực 24/24. Đêm trực, không có bệnh nhân thì nằm ngả lưng một ít, chứ không khi nào ngủ được bởi tâm trạng cứ lo lắng, bất an. Nằm nghỉ là luôn dỏng tai khi nghe tiếng xe cấp cứu là bật dậy ngay”.
Dù vậy, “niềm vui, niềm hạnh phúc của anh chị em trong phòng cấp cứu là khi thấy bệnh nhân phục hồi. Có nhiều ca, cầm chắc bệnh nhân không qua khỏi nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức và có khi phép lạ đã xảy ra. Người bệnh bình phục và trở về cuộc sống bình thường”, bác sĩ Đình bộc bạch.
Khó nhất là áp lực từ người nhà bệnh nhân
Niềm vui của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng là đây là mỗi lần cứu sống được một bệnh nhân qua cơn nguy kịch
Cũng là người có “thâm niên” trong nghề, bác sĩ Nguyễn Băng Đình đã không ít lần phải chứng kiến thái độ rất phản cảm của người nhà bệnh nhân. “Nhiều người khi người thân họ gặp tai nạn, họ chỉ muốn sao mình làm thật nhanh, làm ngay để cứu sống người thân của họ chứ không hiều được phải làm cái gì trước cái gì sau”, bác sĩ Đình cho biết.
Đang trấn an một bệnh nhân bị tai nạn giao thông chân vừa chuyển vào, bác sĩ Đình quay qua nói với chúng tôi: “Đối với những bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào cấp cứu, bệnh nhân và người nhà của họ rất lo lắng và sợ hãi vì thế chúng tôi phải giải thích, trấn an để họ yên tâm”.
Vất vả nhất là vào những ngày lễ tết số ca cấp cứu tăng lên gấp đôi so với những ngày thường, ai cũng chạy mệt “bở hơi tai”. Có hôm không có thời gian để ngồi chứ đừng nói đến chuyện ăn.
Những ca trực đêm thì còn phải nói. Nhiều người cả đêm thức trắng không chợp mắt, sáng mai ra ai mắt ai cũng đỏ gạch vì thiếu ngủ.
Có tận mắt chứng kiến công việc của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên nơi đây mới thấu hiểu được nổi vất vả cũng như tâm huyết của người thầy thuốc đối với bệnh nhân.
Vừa nghỉ tay được mươi phút vì số bệnh nhân đưa vào cấp cứu đã được chuyển qua khoa khác. Tiếng xe cấp cứu đang lao vào cổng bệnh viện. Các bác sĩ, điều dưỡng viên lại hối hả cho một ca cấp cứu mới.
Khánh Hồng