1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lần đầu tiên xảy ra tình trạng phơi nhiễm HIV tập thể cho 19 cán bộ y tế

(Dân trí) - Sự việc kíp trực của BV Phụ sản Hà Nội gồm 19 cán bộ y tế cấp cứu cho một bệnh nhân bị băng huyết, có nguy cơ phơi nhiễm HIV là vụ phơi nhiễm HIV tập thể đầu tiên. Vậy nguy cơ nhiễm HIV của các cán bộ y tế này là như thế nào?

Lần đầu tiên xảy ra tình trạng phơi nhiễm HIV tập thể cho 18 cán bộ y tế

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Đình Cảnh (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự việc 19 cán bộ y tế bị phơi nhiễm HIV khi cấp cứu cho một bệnh nhân tại BV Phụ sản Hà Nội?

Trong ngành y tế, các cán bộ y tế thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ nhiễm nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Không chỉ riêng HIV/AIDS mà có nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm từ cúm H5N1, SARS… mà cán bộ y tế thường xuyên phải đối mặt.

Trong tình huống này, trước một bệnh nhân cấp cứu mất máu ồ ạt, thời gian sống của bệnh nhân tính bằng giây, bằng phút, cứu người như cứu hỏa nên các bác sĩ, với sự hết lòng cứu chữa người bệnh đã cùng lao vào cấp cứu cho bệnh nhân và họ đã không kịp dùng các phương tiện bảo hộ an toàn. Đến khi cấp cứu xong, cứu sống người bệnh họ mới biết bệnh nhân này có HIV/AIDS.

Đây là trường hợp phơi nhiễm HIV đông nhất từ trước tới nay, với 19 nhân viên y tế trong cùng một kíp trực cấp cứu người bệnh bị phơi nhiễm HIV.

Vậy ông đánh giá như thế nào về nguy cơ nhiễm HIV/AIDS của các nhân viên y tế này?

Ngay sau sự việc xảy ra, chúng tôi đã kiểm tra người bệnh có HIV. Bệnh nhân này vẫn đang được điều trị HIV/AIDS bằng thuốc. Do được điều trị nên nồng độ vi rút HIV trong máu của bệnh nhân thấp, vì thế nguy cơ lây nhiễm cũng thấp hơn.

19 cán bộ y tế tham gia cấp cứu người bệnh trong quá trình cấp cứu tuy không kịp dùng các phương tiện bảo hộ chuyên biệt nhưng cũng đều có đeo găng tay nên nguy cơ lây nhiễm cũng rất thấp.

Tôi có thể lấy dẫn chứng về nghiên cứu nguy cơ phơi nhiễm khi tiếp xúc với máu cũng như với các vật nhọn qua một nghiên cứu của Mỹ cho thấy khi bị kim đâm vào tay (kim tiên cho người nhiễm HIV) thì xác xuất lây nhiễm là 0,3%. Hoặc trong tình huống máu hoặc dịch của người nhiễm bắn vào mắt hoặc niêm mạc miệng của người khác thì khả năng lây nhiễm là 0,1%. Như vậy có thể nói, trong tình huống có bị tiếp cận với máu khả năng lây nhiễm rất thấp.

Hơn nữa các cán bộ y tế được uống thuốc dự phòng rất kịp thời, có mang găng tay khi phẫu thuật nên nguy cơ cũng thấp hơn.

Vậy 19 cán bộ y tế này đã được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV như thế nào, thưa ông?
 
Lần đầu tiên xảy ra tình trạng phơi nhiễm HIV tập thể cho 18 cán bộ y tế
Vì người bệnh trong tình trạng cấp cứu, tính mạng tính bằng giây, bằng phút nên 18 cán bộ y tế khoa A2 đã khẩn trương cấp cứu người bệnh mà không kịp có những dự phòng cần thiết, nên có nguy cơ phơi nhiễm HIV.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban giám đốc BV Phụ sản Hà Nội đã làm việc với Trung tâm phòng chống HIV Hà Nội và chỉ sau 4 tiếng đồng hồ các nhân viên y tế đã được uống thuốc dự phòng. Điều này là rất kịp thời bởi thế giới khuyến cáo khi bị phơi nhiễm HIV/AIDS nên uống thuốc dự phòng trong 72 giờ kể từ thời điểm bị phơi nhiễm, và tốt nhất là uống trong thời điểm 2 - 6 tiếng sau khi bị phơi nhiễm.

Các cán bộ y tế đã được uống thuốc kịp thời, xét nghiệm HIV đều âm tính. Họ cũng đã nhớ lại, đánh giá lại toàn bộ quá trình cấp cứu cho người bệnh nên giờ tâm lý đã ổn định và họ cũng yên tâm công tác.

Trong 19 cán bộ y tế này, có một bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật, nhưng đánh giá lại nguy cơ vị bác sĩ này thấy không có yếu tốt lây truyền vì trong phẫu thuật có đeo khẩu trang nên không dùng thuốc dự phòng. 18 cán bộ y tế còn lại không nhớ chắc chắn trong thời gian cấp cứu có thời điểm nào tiếp xúc trực tiếp với người bệnh nào không nên đã được uống thuốc dự phòng.

Trong tình huống một trong số cán bộ y tế này được xác định nhiễm HIV sau thời gian điều trị phơi nhiễm, ngành y tế sẽ có chế độ như thế nào với họ, thưa ông?

Hàng năm ở nước ta có hàng nghìn cán bộ y tế, công an bị phơi nhiễm HIV/AIDS và đây là lần đầu tiên có số người phơi nhiễm đông nhất.

Thực tế trong các năm, tỉ lệ lây nhiễm trong các đối tượng phơi nhiễm rất thấp. Trong trường hợp này tôi cũng đánh giá nguy cơ nhiễm HIV/AIDS của 19 cán bộ y tế rất thấp, như đã phân tích ở trên.

Nhà nước cũng đã có quy định cụ thể cho các trường hợp bị phơi nhiễm HIV. Theo đó, trong giai đoạn điều trị phơi nhiễm họ được điều trị, xét nghiệm miễn phí, được nghỉ 20 ngày làm việc giữ nguyên lương...

Còn nếu không may bị nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp cũng sẽ được hưởng trợ cấp tối thiểu 30 tháng lương, được dùng thuốc điều trị miễn phí, được BHYT thanh toán 100%...

Thưa ông, vậy trong quá trình điều trị phơi nhiễm các cán bộ y tế có được tham gia chữa trị cho bệnh nhân hay không? Bộ Y tế có những quy định gì trong việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân có HIV/AIDS để giảm nguy cơ lây nhiễm thấp nhất cho cán bộ y tế?

Cán bộ y tế trong quá trình điều trị phơi nhiễm được nghỉ việc 20 ngày. Trong trường hợp không nghỉ việc họ vẫn được thăm khám cho người bệnh bởi nguy cơ lây truyền cho người khác hầu như không có. Hơn nữa HIV/AIDS không lây qua tiếp xúc nên việc thăm khám cho người bệnh là an toàn. Nếu phải tham gia phẫu thuật cán bộ y tế đều có găng tay, phương tiện bảo hộ nên chắc chắn không có nguy cơ lây nhiễm cho người bệnh.

Với việc dự phòng HIV cũng như các bệnh truyền nhiễm nói chung Bộ Y tế đã có quy định về dự phòng phổ cập. Bởi với một người nhiễm HIV nhìn  bề ngoài họ hoàn toàn khỏe mạnh không thể biết được khi không xét nghiệm.

Vì thế Bộ Y tế đã có quy định cán bộ y tế phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết khi thăm khám cho người bệnh. Riêng trong trường hợp này do tình huống cấp cứu, cứu người như cứu hỏa nên các bác sĩ mới không kịp thực hiện các biện pháp bảo hộ an toàn.

Qua sự việc này Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện rà soát, tăng cường công tác quản lý, cung cấp các trang thiết bị bảo hộ dành cho dự phòng lây truyền tại các khoa cấp cứu, để các cán bộ y tế có thể kịp thời sử dụng nhanh trong tình huống cấp cứu người bệnh, giảm nguy cơ phơi nhiễm HIV cho nhân viên y tế.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hải (thực hiện)