1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Làm thế nào để chuyển bảo hiểm y tế cho cả năm?

(Dân trí) - Mẹ tôi bị bệnh tiểu đường đã 5 năm nay và được theo dõi tái khám tại BV tỉnh. Tuy nhiên, bà mới chuyển xuống Hà Nội ở cùng vợ chồng chúng tôi. Mới đây, khi đưa bà khám tại  BV Nội tiết Trung ương, bà không được bảo hiểm y tế chi trả vì khám trái tuyến.

Vậy tôi phải làm thủ tục gì để chuyển bảo hiểm y tế (BHYT) cho bà để khi đi khám chữa bệnh bà được hưởng quyền lợi của mình? (Nguyễn Vĩnh Hà, Ba Đình, Hà Nội)

Ông Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế trả lời:

1-bhyt-df0fc
Người bệnh đi khám bệnh đúng tuyến sẽ được đảm bảo quyền lợi thanh toán BHYT. Ảnh: H.Hải

Trường hợp người bệnh tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến vẫn được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế nhưng mức hưởng thấp hơn so với những người khám chữa bệnh đúng tuyến.

Cụ thể là trường hợp khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trung ương thì được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 40% chi phí điều trị nội trú (nằm viện); 60% chi phí điều trị nội trú đối với các bệnh viện tuyến tỉnh; 70% chi phí điều trị nội trú và ngoại trú ở tuyến huyện.

Để được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế theo quy định, người bệnh nên đi khám chữa bệnh đúng tuyến.

Riêng đối với trường hợp của mẹ bạn, bà mắc bệnh tiểu đường - đây là một trong 47 nhóm bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến một lần, sau đó tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ và được BHYT chi trả theo quy định. Vì thế, do mẹ bạn đang có BHYT tại địa phương, bạn cần đến BV địa phương nơi bà vẫn theo dõi quản lý bệnh tiểu đường để được hướng dẫn chuyển bảo hiểm. Việc chuyển bảo hiểm này chỉ cần thực hiện một lần và có giá trị sử dụng trong cả năm (tính theo năm dương lịch). Sau khi được chuyển bảo hiểm, bệnh nhân đến khám tại cơ sở mới được chuyển tới và sẽ được đảm bảo hoàn toàn quyền lợi thanh toán thẻ BHYT.

Theo Luật BHYT sửa đổi, từ 1/1/2015 bệnh nhân khám vượt tuyến ngoại trú sẽ không được quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên với 47 nhóm bệnh gồm các bệnh lao (các loại); phong; HIV/AIDS; di chứng viêm não; ung thư; đái tháo đường; suy tuyến giáp; tim (có can thiệp, sau phẫu thuật van tim, đặt máy tạo nhịp); phổi tắc nghẽn mạn tính; vảy nến; luput ban đỏ; chạy thận nhân tạo chu kỳ; các trường hợp có chỉ định sử dụng thuốc chống thải ghép sau ghép mô, bộ phận cơ thể người, di chứng do vết thương chiến tranh, một số bệnh nội tiết, chuyển hóa, di truyền ở trẻ em... người bệnh chỉ cần giấy chuyển tuyến 1 lần trong 1 năm (dương lịch) và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định.

Hồng Hải (ghi)