Làm sao để chẩn đoán ung thư tuyến giáp?

TS.BS Nguyễn Văn Đề

(Dân trí) - Nhiều người có khối u vùng cổ, thậm chí sờ thấy khối u, được chẩn đoán u tuyến giáp. Tuy nhiên không phải cứ u tuyến giáp là bị ung thư.

U tuyến giáp là một bệnh khá phổ biến ở nước ta cũng như các nước trên thế giới, u xuất hiện ở khoảng 65% trong cộng đồng cư dân, tức là cứ 100 người thì có tới 65 người bị u tuyến giáp; phần lớn các tổn thương là lành tính, chỉ dưới 1% các trường hợp bị u tuyến giáp là ác tính.

Chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến giáp dựa vào nhiều yếu tố khác nhau từ khám lâm sàng vùng cổ, các triệu chứng liên quan đến chèn ép của u, tuổi, giới tính, vùng miền…, kết hợp với xét nghiệm máu, siêu âm, chọc hút tế bào kim nhỏ và cuối cùng tiêu chuẩn vàng là xét nghiệm mô bệnh học. Trong đó chọc hút tế bào kim nhỏ là phương pháp đơn giản, dễ áp dụng, an toàn, hiệu quả kinh tế và đem lại giá trị chẩn đoán cao.

Làm sao để chẩn đoán ung thư tuyến giáp? - 1

Chọc hút tế bào kim nhỏ thông thường và chọc hút tế bào kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm.

Khi phát hiện thấy khối u ở vùng cổ giữa, bên dưới cằm thì hãy nghĩ đến u tuyến giáp (chúng rất phổ biến và nên nhớ phần lớn là lành tính) và nên đi khám bệnh về chuyên khoa nội tiết hoặc bướu cổ để được phát hiện kịp thời nguy cơ ung thư tuyến giáp.

Sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ đánh giá sơ bộ tình trạng bệnh và chỉ định làm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng chức năng của tuyến giáp, siêu âm để đánh giá kích thước và tính chất của khối u, cuối cùng là chọc hút tế bào kim nhỏ để chẩn đoán xác định khối u đó lành tính hay ác tính.

Chọc hút tế bào kim nhỏ là gì?

Là phương pháp sử dụng kim nhỏ (như kim tiêm thông thường của bơm tiêm 10 hoặc 20ml) chọc vào vị trí khối u của tuyến giáp, lấy mẫu tế bào, xử lý và từ đó các bác sỹ Giải phẫu bệnh có thể đưa ra chẩn đoán tế bào học các bệnh lý tuyến giáp.

Chọc hút tế bào là kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện và thường không để lại bất kỳ tai biến, biến chứng gì (nhẹ nhàng như đi lấy máu xét nghiệm). Kỹ thuật này có thể do bác sĩ giải phẫu bệnh thực hiện nếu khối u được phát hiện bằng khám lâm sàng (tức là u có kích thước lớn, có thể sờ thấy), hoặc thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm do bác sĩ siêu âm thực hiện nếu khối u đó không rõ ràng trên lâm sàng (như khối u nhỏ, nằm trong sâu hoặc có tính chất giống như tuyến giáp lành tính).

Chẩn đoán tế bào học tuyến giáp như thế nào?

Sau khi lấy mẫu tế bào u bằng phương pháp kim nhỏ, mẫu bệnh phẩm được xử lý và nhuộm bằng các phương pháp khác nhau, dưới kính hiển vi quang học các bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ phân tích, đánh giá hình thái tế bào học của khối u và đưa ra chẩn đoán tế bào học tuyến giáp theo hệ thống phân loại của Bethesda năm 2017 (tiêu chuẩn Bethesda được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2009 và cập nhật vào năm 2017).

Để có một kết quả chẩn đoán tế bào học tuyến giáp chính xác, chúng ta xem xét trên nhiều phương diện và kết quả đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:

- Bệnh phẩm có được lấy đúng vào vị trí của tổn thương hay không? tổn thương đó có phải của tuyến giáp không?

- Có lấy đủ số lượng tế bào không?

- Xử lý mẫu bệnh phẩm có đúng quy cách không?

- Cuối cùng là trình độ, kinh nghiệm chẩn đoán của mỗi bác sĩ giải phẫu bệnh khác nhau.

Ngày nay nhờ chọc hút tế bào tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm nên đã phát hiện và chọc hút được u tuyến giáp với kích thước nhỏ (5mm) không phát hiện được trên lâm sàng; chọc hút được đúng vị trí và lấy đủ số lượng tế bào giúp cho chẩn đoán được chính xác hơn. Đối với các trường hợp khối u có kích thước lớn (trên 2cm) và/hoặc biểu hiện rõ trên lâm sàng thì có thể chọc hút bằng kim nhỏ thông thường không cần hướng dẫn của siêu âm.

Vì vậy, chúng ta nên khám và kiểm tra các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp cũng như các cơ quan khác, đối với tuyến giáp nên được kiểm tra bằng siêu âm định kỳ khoảng 6 tháng/lần để phát hiện những sớm những tổn thương nếu có và có biện pháp điều trị kịp thời.