Lạm dụng kháng sinh, bé viêm phế quản suýt biến chứng viêm phổi

Trường Thịnh

(Dân trí) - Có cha mẹ không cho con đi khám khi có những dấu hiệu của bệnh, dùng lại đơn thuốc cũ bao gồm cả thuốc kháng sinh,... khiến trẻ gặp những biến chứng nặng nề của bệnh, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Lạm dụng kháng sinh cho trẻ, lợi bất cập hại

Bé P.H 7 tháng tuổi, khi đến khám tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI đã có những biểu hiện thở khò khè rất nặng.

Theo mẹ bé chia sẻ, trước đây, khi con ốm, đã nhiều lần mẹ đưa con đi khám tại các phòng khám nhỏ, đôi khi con ốm với những triệu chứng giống lần trước thì chị lại mua lại những loại thuốc cũ, trong đó có kháng sinh để cho bé dùng tiếp.

Tuy nhiên, sau nhiều lần như vậy, bệnh tình của bé ngày càng khó khỏi hơn, thời gian điều trị lâu hơn và dùng kháng sinh ngày càng tăng liều hơn. Ở lần bệnh này, đã qua đợt điều trị dài ngày tại nhà nhưng bệnh của P.H mãi không thuyên giảm mà còn có chiều hướng tăng nặng hơn nên mẹ bé đã đưa con đến Thu Cúc TCI để thăm khám.

Lạm dụng kháng sinh, bé viêm phế quản suýt biến chứng viêm phổi - 1
Bé P.H đã điều trị tại nhà với kháng sinh nhưng bệnh không tiến triển tốt. (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Tại đây, bé P.H đã được thăm khám lâm sàng, thực hiện nội soi tai mũi họng, chụp X-quang, xét nghiệm công thức máu và chức năng gan thận. Thông qua kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa - Trưởng khoa Nhi, Thu Cúc TCI kết luận bệnh nhi bị viêm phế quản do virus, đã gần biến chứng sang viêm phổi nên cần nhập viện ngay để điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Hoa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản và không phải lúc nào các bệnh lý hô hấp cũng điều trị bằng kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh quá nhiều sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe của trẻ như: loạn khuẩn đường ruột, gây hại cho chức năng gan và thận, suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn đường ruột, dị ứng và hen suyễn, tạo ra vi khuẩn kháng thuốc và có nguy cơ khiến bệnh nặng hơn nếu dùng kháng sinh không đúng liều, đúng loại.

 Phác đồ điều trị hạn chế kháng sinh, phương án tối ưu cho trẻ

Quay trở lại với trường hợp bé P.H sau khi được nhập viện và điều trị bằng các phương pháp như: uống thuốc ho long đờm và thuốc điều trị giãn phế quản, dùng phương pháp khí dung - kỹ thuật điều trị tân tiến nhất dành cho các bệnh hô hấp, có chế độ ăn uống khoa học với các bữa ăn được chuyên gia dinh dưỡng lên thực đơn và đặc biệt không dùng kháng sinh. Sau 4 ngày, bé P.H khỏi hẳn các triệu chứng, ăn uống ngon miệng và các chỉ số về bình thường khi thực hiện xét nghiệm máu.

Lạm dụng kháng sinh, bé viêm phế quản suýt biến chứng viêm phổi - 2
Đối với viêm phế quản do virus, việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết. (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Bác sĩ Hoa cũng cho biết thêm, bệnh hô hấp được coi là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Thực tế cho thấy khoảng ⅓ số trẻ nhập viện những năm đầu đời là do có bệnh lý về hô hấp, và viêm phế quản là một trong số đó. Bệnh lý này được chia làm 2 cấp độ: viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính. Viêm phế quản cấp tính thường xảy ra vào mùa lạnh, do virus và vi khuẩn gây ra. Những người bị viêm phế quản cấp dễ bị bội nhiễm, bệnh kéo dài sẽ gây ra viêm phế quản mạn tính.

Do viêm phế quản xuất hiện khi đường thở bị viêm và tiết dịch nhầy nên trẻ thường có biểu hiện ho nhiều và khó thở. Do đó, khi thấy trẻ xuất hiện thêm những cơn sốt và ho kéo dài đến tuần thứ 2 thì nguy cơ cao là bé bị viêm phế quản.

Khi cơn ho kéo dài sang tuần 2 - 3, trẻ sẽ bị đau rát cổ họng và có đờm. Đờm sẽ có nhiều màu khác nhau như xanh, xám, xanh hơi vàng. Cùng với đó, trẻ có những dấu hiệu khác đi kèm như bị đau ngực, cơ thể mệt mỏi hoặc bị sốt nhẹ.

Lạm dụng kháng sinh, bé viêm phế quản suýt biến chứng viêm phổi - 3
Không lạm dụng kháng sinh là phương châm mà Thu Cúc TCI hướng đến. (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Giai đoạn khởi phát bệnh: Bệnh có những triệu chứng viêm long đường hô hấp trên. Trẻ sẽ bị sốt nhẹ, ho khan, hắt hơi hay sổ mũi.

Giai đoạn phát bệnh: Trẻ sốt nặng hơn, có triệu chứng thở khò khè hoặc dùng miệng để thở. Màu da của trẻ tím tái, xanh xao và có thể bị rối loạn tiêu hóa mức nhẹ.

Giai đoạn nguy hiểm: Trẻ sốt cao hơn 39 độ, cơ thể mệt mỏi, môi và da bị khô, đổ mồ hôi, bỏ ăn và khó thở. Những cơn ho của trẻ sẽ kéo dài, có đờm. Trẻ thở khò khè bằng miệng, lồng ngực hoạt động mạnh. Da bị xanh xao, môi và đầu ngón chân bị tím tái, nôn, tiêu chảy. Nếu bị nặng hơn, trẻ sẽ có những biểu hiện về thần kinh như nằm li bì, có thể bị hôn mê và co giật, mạch yếu nhưng tim đập nhanh.

Việc nhận biết sớm triệu chứng giúp phụ huynh có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của con và kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Ngoài ra, phụ huynh không nên tự mua thuốc và cho con uống tại nhà. Khi thấy có những dấu hiệu của bệnh viêm phế quản như: suy hô hấp, thở nhanh, ho càng nhiều và kéo dài trên 3 ngày; sốt cao hoặc hạ nhiệt độ; bú kém hoặc bỏ ăn; thở nhanh hoặc ngừng thở (ở trẻ sơ sinh); ngủ li bì, quấy khóc, tím tái…., phụ huynh cần đưa con đi khám ngay và không tự ý điều trị. 

Sức khỏe chủ động là chuyên mục do báo điện tử Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe chủ động.

Tháng 4 này, Thu Cúc TCI tặng các bé tới  50% phí khám Nhi, 30% xét nghiệm cận lâm sàng và giảm tới 45% các gói khám sức khỏe định kỳ cho trẻ. Để tìm hiểu thêm thông tin và đặt lịch, quý khách hàng có thể liên hệ 1900 55 88 92 hoặc truy cập Tại đây.