Lại nơm nớp lo thiếu máu điều trị dịp Tết

(Dân trí) -Tết đến, người bệnh mắc các bệnh mạn tính cần truyền máu vẫn không thể ngừng điều trị, trong khi đó, số ca tai nạn giao thông lại có xu hướng tăng cao khiến nguy cơ thiếu máu điều trị là hiện hữu, vô cùng trầm trọng.

GS.TS Nguyễn anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, những ngày cận Tết, tình trạng thiếu máu đã diễn ra phổ biến tại hầu hết các bệnh viện. Thực tế, lượng máu thu gom được trong tháng 12 và đầu tháng 1 giảm hẳn so với những tháng trước đó. Những ngày qua, lượng máu Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cung cấp cho 120 bệnh viện tại 16 tỉnh thành khu vực phía Bắc chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu điều trị, ngày nhiều nhất là 50%. Nhiều bệnh viện vẫn phải huy động nguồn máu tại chỗ của người nhà bệnh nhân, kể cả lượng máu từ những người cho máu chuyên nghiệp, lượng máu này chiếm khoảng 6%.

Hoa hậu Ngọc Hân trong một lần hiến máu tình nguyện. 
Hoa hậu Ngọc Hân trong một lần hiến máu tình nguyện. 

“Lượng máu thu được thì giảm đi, trong khi đó nhu cầu về máu để điều trị thì không hề giảm xuống. Chính vì thế, các bác sĩ rất khó khăn khi ra chỉ định điều trị (nhiều khi chỉ định truyền máu nhưng phải đợi vài ba ngày mới có một đơn vị máu), còn bệnh nhân thì ốm yếu, mệt mỏi, thậm chí nguy kịch tính mạng vì thiếu máu, vì phải dùng máu “tiết kiệm”, bệnh nhân có chỉ định phải truyền máu nhưng chỉ được cầm rất cầm chừng. Có bệnh nhân phải truyền 2 đơn vị máu mới đủ, nhưng vì thiếu máu, bệnh nhân chỉ được truyền chưa đến một nửa nhu cầu. Có bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, mất chỉ còn 1/3 lượng máu nhưng bệnh viện cũng chỉ thu xếp đủ số máu cấp cứu cho bệnh nhân khỏi nguy kịch, còn để bình phục lại thì phải truyền dần dần vì không đủ lượng máu một lúc.

“Hay với những bệnh nhân mắc bệnh Hemophilia (bệnh máu khó đông), khi phát bệnh, người bệnh bị chảy máu trong cơ thể, có người bị chảy máu tại khớp, đau đớn kéo dài, nguy hiểm hơn, để tình trạng chảy máu kéo dài tại khớp có nguy cơ gây biến dạng khớp, khiến bệnh nhân phải chịu những biến chứng lâu dài không thể hồi phục được, gây tàn tật. Đã từng có bệnh nhân bị chảy máu khớp chân, sau biến dạng gây tàn tật không tự đi lại được, phải dùng nạng gỗ. Hậu quả là hai khớp vai trước vốn rất bình thường, thì nay cũng thường xuyên bị chảy máu do phải tiếp xúc với nạng. Biết rõ nguy cơ, nhưng vẫn phải chờ, biết làm sao được”, BS điều trị đau xót nói.

Không chỉ cần đảm bảo lượng máu dành cho điều trị hàng ngày, mà nhu cầu máu cấp cứu cho các trường hợp tai nạn giao thông trong dịp Tết cũng tăng cao. Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, dù trong năm 2013 số ca tai nạn giao thông, tử vong và bị thương có giảm so với năm 2012, nhưng thời điểm cận Tết, Tết thì số ca tai nạn giao thông cũng tăng hơn ngày thường, kéo tho nhu cầu về máu điều trị tăng cao, trong khi kho máu tại các bệnh viện thì dần trở nên cạn kiệt.

“Thống kê trong dịp Tết Quý Tỵ cho thấy cả nước xảy ra gần 350 vụ tai nạn giao thông, 400 người bị thương, 341 người chết. Bình quân số người chết trong mấy ngày này tăng cao hơn ngày thường, cao điểm có ngày tăng gấp đôi. Số liệu tại các bệnh viện cũng cho thấy, số trường hợp vào cấp cứu vì tai nạn giao thông chiếm 50-60% tổng số ca cấp cứu tại khoa ngoại…”, ông Thái dẫn chứng.

“Vì thế, bên cạnh nhu cầu máu cho điều trị thường ngày thì lượng máu dành phải điều trị, cấp cứu các bệnh nhân này cũng là rất lớn, trong khi lượng người hiến máu thì sụt giảm rât mạnh”, TS Trí nói.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, ở bất cứ thời điểm nào, máu dự trữ dành cho việc cứu sống bệnh nhân luôn là “của hiếm”. Tuy nhiên, trong những dịp đặc biệt gần Tết như hiện nay, lượng máu thu gom được giảm đột ngột, do học sinh, sinh viên tình nguyện - đối tượng cung cấp đến 80% lượng máu, đang trong giai đoạn tập trung thi hết kỳ nên không tham gia hiến máu. Một khó khăn nữa trong công tác thu gom máu là do thời gian bảo quản máu chỉ từ 35 - 42 ngày nên không thể tiến hành lấy máu sớm hơn.

Bình thường, đơn vị máu thu nhận được gần 1 triệu đơn vị trong số 90 triệu dân, đây được coi là thành công. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, để đảm bảo an toàn truyền máu thì lượng máu tối thiểu phải bằng 2/3 dân số; tương ứng với 1,8 triệu đơn vị máu. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam, lượng máu tiếp nhận của cả nước chỉ bằng thành phố Băngkok của Thái Lan.

Ngày hội hiến máu Chủ nhật đỏ sắp tới sẽ được tổ chức đồng thời tại 10 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP HCM; Đà Nẵng; Cần Thơ; Thái Nguyên; Hải Phòng; Nam Định, Thái Bình, Nghệ An; Đắk Lắk với 14 điểm hiến máu. Đây là những nơi cần nhiều máu nhất. Mục tiêu năm nay thu 3.000-5.000 đơn vị máu. Tại Hà Nội chương trình sẽ được tổ chức tại Đại học Thương Mại, vào sáng ngày 12/1.

 

Tú Anh