Kỳ tích phục hồi của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở
(Dân trí) - Gặp tai nạn nghiêm trọng gây liệt tứ chi, không thể tự thở, sau một năm điều trị, ông Trần Hồ Dũng phục hồi trước sự vui mừng của gia đình và các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Vinmec Central Park.
Hành trình đối đầu với tử thần
Cách đây hơn 1 năm, ông Trần Hồ Dũng (60 tuổi, Thủ Đức) gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây chấn thương cột sống cổ, dập tủy cổ, có tình trạng hẹp ống sống cổ đoạn C3C4. Sau khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TPHCM) hội chẩn và tiến hành phẫu thuật trong đêm.
"Đây là ca bệnh được đánh giá là rất nặng bởi bệnh nhân liệt tứ chi, không thể tự thở, tiên lượng khó khăn, khiến các bác sĩ cũng lo lắng về những điều mà bệnh nhân có thể gặp phải trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật", ThS.BS Trương Văn Trí, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, phẫu thuật viên chính của ca bệnh khi đó, cho biết.
Nói về tính chất nguy hiểm của ca bệnh, bác sĩ Trí cho biết, ở người trẻ, bình thường, cột sống chưa bị thoái hóa, có ống sống rộng rãi và bên trong tủy sống được dịch não tủy bao bọc xung quanh, thì một lực tác động vào cổ bình thường sẽ không gây ra chấn thương tủy sống.
Nhưng đây lại là một người bệnh lớn tuổi, gai xương đĩa đệm, dây chằng phì đại làm ống sống bị hẹp, gọi là bệnh lý hẹp cột sống cổ, tủy sống vốn đã bị chèn ép sẵn. Vì vậy, khi ngã xuống đường và chịu lực tác động vào cổ, người bệnh đã bị tổn thương tủy sống nặng nề.
Đối với những ca bệnh chấn thương cột sống nặng, thời gian mổ cấp cứu càng sớm, cơ hội hồi phục của bệnh nhân càng cao. Đứng trước cuộc đua với thời gian, ê-kíp của Vinmec Central Park đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân ngay trong đêm.
TS.BS Trần Hoàng Ngọc Anh, Giám đốc Chuyên môn tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec Central Park đánh giá, điểm khó đối với ca bệnh này là yêu cầu phẫu thuật viên trong ca mổ cần có tay nghề chuyên môn cao, mỗi động tác phải hết sức chính xác, không chạm vào tủy sống, tránh trường hợp bệnh nhân chấn thương lần hai trên bàn mổ.
"Nếu phẫu thuật không tốt, tình trạng dập tủy cổ nặng nề hơn, bệnh nhân có thể sẽ bị suy hô hấp và phải thở máy suốt đời. Bên cạnh đó, do chấn thương cột sống nặng, bệnh nhân gặp phải nhiều vấn đề nên cần phối hợp đa chuyên khoa mới có thể mang tới kết quả điều trị hiệu quả nhất", bác sĩ Ngọc Anh chia sẻ.
Kỳ tích phục hồi vượt ngoài mong đợi
Sau ca phẫu thuật vào tháng 9/2023, với sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, sức khỏe và tâm lý của ông Dũng đã bắt đầu có những cải thiện đáng kể. Sau mổ, người bệnh có thể tự thở dù còn khó khăn. Đây được xem là bước hồi phục ngoạn mục đầu tiên do trước đó bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở.
9 ngày sau, ông Dũng chuyển biến tích cực hơn, các cơ bắt đầu có phản ứng trở lại nên được chuyển sang khoa ngoại thần kinh để tập phục hồi chức năng. Và sau hai tháng điều trị tại Vinmec Central Park, ông xuất viện và có thể tự tập phục hồi chức năng hàng ngày tại nhà, thăm khám đều đặn với bác sĩ theo chỉ định.
Đến nay, sau hơn một năm, gia đình chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục khi ông Dũng có thể tự đứng lên đi lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường.
"Động lực lớn nhất là nguồn động viên từ gia đình, túc trực 24/24 suốt gần 14 tháng điều trị. Cùng với đó là sự tận tâm của các bác sĩ đã tiếp sức, cứu chữa cho tôi ở thời điểm ranh giới sinh tử. Tôi cảm thấy mình rất may mắn, như vừa được hồi sinh", ông Dũng xúc động chia sẻ.
Trong ngày gặp lại ông Dũng tái khám, ThS.BS Trương Văn Trí chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ muốn cứu sống mà cố gắng để bệnh nhân được hồi phục sức khỏe, cũng như tinh thần tốt nhất. Bởi cuộc sống nằm trên giường bệnh, phụ thuộc vào người khác, thậm chí không thể tự thở là một điều khó mà chấp nhận đối với một người gặp tai nạn bất ngờ. Cũng nhờ người bệnh đã kiên trì tập luyện, vượt qua khó khăn, sự nỗ lực bền bỉ ấy đã được đền đáp xứng đáng".
Thành công của ca bệnh đã cho thấy năng lực chuyên môn, khả năng phối hợp đa chuyên khoa của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện ĐKQT Vinmec Central Park trong việc xử trí các ca bệnh cấp cứu vì chấn thương nặng do tai nạn giao thông.
Câu chuyện kỳ diệu này cũng trở thành hành trình truyền cảm hứng và động lực cho nhiều người bệnh đang từng ngày nỗ lực chiến đấu với bệnh tật để sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường.