Ký sinh trùng lúc nhúc dưới lớp da tổn thương của bệnh nhi
(Dân trí) - Tay chân mọc nhiều mụn nước gây ngứa, loét điều trị nhiều tháng không khỏi, 2 bệnh nhi được bác sĩ thực hiện xét nghiệm và soi da thì phát hiện ký sinh trùng lúc nhúc ở vị trí bị tổn thương.
Đó là trường hợp của 2 bệnh nhi ngụ tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa được phát hiện, điều trị tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM (Bộ Y tế). Tại phòng khám chuyên khoa Ký sinh trùng, các bác sĩ ghi nhận tay chân của cả 2 bệnh nhi có nhiều mụn nước và vết loét da gây ngứa.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà ghi nhận, tình trạng trên đã xuất hiện ở cả 2 bé gần 5 tháng qua. Gia đình đã đưa trẻ đi khám ở nhiều nơi, được chẩn đoán viêm da nhưng điều trị không thuyên giảm mà ngày càng có dấu hiệu nặng hơn.
Nghi ngờ bệnh nhi bị nhiễm ký sinh trùng, bác sĩ đã thực hiện xét nghiệm và tiến hành soi trực tiếp dưới da bằng kính chuyên dụng. Kết quả cho thấy, tại vị trí bị viêm loét có nhiều trứng và cái ghẻ trưởng thành. Điểm tập trung nhiều ký sinh trùng nhất là kẽ ngón tay của trẻ. Sau chẩn đoán, bác sĩ đã chỉ định điều trị, hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng, nhà cửa… để tránh nguy cơ lây lan.
Từ 2 trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, cái ghẻ có tên khoa học Sarcoptes scabiei là loài ký sinh trùng giống Hominis. Ký sinh trùng trưởng thành này dạng hình cầu có 8 chân, ấu trùng có 6 chân rất nhỏ nên gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng thường đẻ trứng rồi ký sinh gây bệnh trên da người và động vật.
Nhóm người trưởng thành và trẻ lớn, ký sinh trùng thường xuất hiện ở kẽ ngón tay, các nếp gấp cổ tay, vùng khuỷu tay bên trong, lòng bàn chân, trong nách, lưng, mông, vùng quanh vú, xung quanh bộ phận sinh dục nam. Còn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vị trí nhiễm thường thấy ở da đầu, mặt, cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân…
Ký sinh trùng gây bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa da người lành với da của người bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể lan toàn cơ thể, lây truyền cho người lành, nguy cơ tạo thành ổ dịch ở các đơn vị tập thể, vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, vệ sinh kém, lớp học… Đặc biệt, sau các vụ thiên tai, bão lụt, môi trường vệ sinh thay đổi, các yếu tố không bảo đảm, tạo ra dịch bệnh đường tiêu hóa, bệnh ngoài da.
Diễn biến của bệnh ghẻ thường phức tạp do nhiễm vi khuẩn, dẫn đến sự phát triển của các vết loét da. Bệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng máu, bệnh tim và bệnh thận mạn tính. Nếu có các triệu chứng của bệnh ghẻ hoặc sinh hoạt tập thể có nguồn lây nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám phát hiện điều trị sớm, hạn chế để lại biến chứng
Bác sĩ khuyến cáo, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, cần duy trì việc vệ sinh hàng ngày bằng xà phòng hoặc sữa tắm chuyên dụng, phòng ngừa sự phát triển và lây lan của các loại ký sinh trùng trên cơ thể. Tạo thói quen rửa tay cho trẻ bằng xà phòng trước và sau bữa ăn để đảm bảo vệ sinh chung. Phải điều trị đồng thời cho tất cả mọi người cùng bị ngứa đang sinh hoạt, chung sống trong gia đình, lớp học, ký túc xá… tránh tình trạng tái lây nhiễm lẫn nhau, trong gia đình, tập thể.