Kịp thời cứu thính lực cho người phụ nữ thủng màng nhĩ do viêm tai giữa
(Dân trí) - Chị D.G.H (37 tuổi, Vĩnh Phúc) bị viêm tai giữa tái phát nhiều năm nhưng do chủ quan nên đã không điều trị dứt điểm. Khi đến Thu Cúc TCI, chị H. ngỡ ngàng phát hiện đây là nguyên nhân khiến chị bị thủng màng nhĩ.
Từ viêm tai giữa đến thủng màng nhĩ - Khoảng cách không xa
Chị D.G.H đến khám tại Thu Cúc TCI khi tai bị đau nhức, chảy nước và thính lực giảm đi rõ rệt. Quan sát phim chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân, bác sĩ phát hiện chị H. bị viêm tai xương chũm có thủng nhĩ khá rộng, gần như hết màng căn. Chị được chỉ định phẫu thuật để vá nhĩ và phục hồi chức năng nghe.
Theo Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Dương Văn Tiến, Trưởng phòng khám Tai Mũi Họng, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI (người trực tiếp khám và phẫu thuật cho chị H.), viêm tai giữa rất dễ gây thủng màng nhĩ. Đó là do khi bị nhiễm trùng, các chất lỏng tích tụ sau màng nhĩ, tạo ra áp lực khiến màng nhĩ bị vỡ ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng nghe, nói của người bệnh.
Bác sĩ Tiến cũng cho biết thêm triệu chứng phổ biến của viêm tai giữa gây thủng màng nhĩ là chảy dịch tai, viêm niêm mạc tai giữa, xương chũm. Bệnh có thể dẫn tới các biến chứng như ù tai, điếc, liệt mặt, cholesteatoma (một bệnh lý gây hủy xương), viêm mê nhĩ (tai trong), biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên...
Khi có triệu chứng ù tai, đau tai, chảy dịch tai, người bệnh cần khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được chẩn đoán và điều trị. Người bệnh cần dùng thuốc uống, thuốc nhỏ tai điều trị viêm tai giữa thủng nhĩ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua hoặc dùng sai cách, dễ dẫn đến biến chứng.
Ngoài biến chứng thủng màng nhĩ, viêm tai giữa có thể dẫn tới liệt mặt, viêm tai xương chũm, áp xe não, viêm màng não… Do vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Phẫu thuật nội soi kịp thời, cứu nguy thính lực cho người bệnh viêm tai giữa
Để xử lý triệt để tình trạng viêm tai giữa tái phát nhiều lần, kèm thủng màng nhĩ của chị H., bác sĩ tiến hành phẫu thuật mở sào bào thượng nhĩ - vá nhĩ kết hợp hệ thống nội soi Karl Storz của Đức hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI.
Bác sĩ Tiến cho biết: "Hiện nay chúng tôi thực hiện vá nhĩ nội soi bằng màng sụn hoặc dùng cân cơ thái dương, tức là miếng vá tự thân của người bệnh để vá trực tiếp vào màng nhĩ. Sau đó bóc tách màng nhĩ thành 2 lớp và vá theo phương pháp Underlay. Sau thời gian khoảng 1 tuần, miếng vá sẽ ở đúng vị trí và lành lại. Quá trình màng nhĩ biệt hóa hoàn toàn cần chờ đợi từ 1 đến 3 tháng. Khoảng thời gian đó hòm nhĩ sẽ tái tạo cấu trúc lại bình thường, để đảm bảo chức năng của tai giữa".
Ca phẫu thuật của chị H. diễn ra trong 2 giờ, sau đó bệnh nhân được đưa về phòng hậu phẫu và chăm sóc đặc biệt. Sau một vài ngày, bệnh nhân được đo thính lực đơn âm cùng các xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe. Bác sĩ Tiến cho biết, bệnh nhân được đánh giá có kết quả bước đầu tốt, khả năng lành sau phẫu thuật sẽ trở lại gần như bình thường, chức năng nghe cải thiện rõ rệt.
Sau phẫu thuật vá nhĩ, bác sĩ Tiến khuyên người bệnh nên giữ gìn vệ sinh tai sạch sẽ, không nằm nghiêng về phía mổ, tránh vận động mạnh và không đi máy bay trong 4 tuần sau mổ vì việc thay đổi áp suất có thể làm hư màng nhĩ mới. Đồng thời người bệnh cũng cần tránh để nước vào tai, tránh những âm thanh quá lớn để không làm tổn thương màng nhĩ, dùng thuốc tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân nên đi kiểm tra định kỳ sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng để đánh giá các chức năng của tai.
Phòng tránh thủng màng nhĩ do viêm tai giữa
Để ngăn ngừa viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ, bác sĩ Tiến đưa ra những lời khuyên:
- Thực hiện phòng ngừa và điều trị các nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp như viêm mũi họng, viêm amidan.
- Theo dõi và điều trị triệt để viêm tai giữa cấp, tránh tình trạng tái phát.
- Việc điều trị viêm tai giữa mạn tính cần được thực hiện kịp thời, đúng cách, theo dõi cẩn thận để ngăn ngừa các biến chứng.
- Nếu sử dụng kháng sinh, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, uống đúng liều. Không nên tự ngưng sử dụng khi triệu chứng biến mất để tránh tình trạng tái phát, gây khó khăn cho quá trình điều trị sau này.
Khi có bất kỳ triệu chứng nào khác thường ở tai, bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.
Sức khỏe chủ động là chuyên mục do Báo Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe chủ động.
Để tìm hiểu thêm về các bài viết, hoặc đặt lịch khám, bạn đọc xem thêm tại đây hoặc liên hệ 1900 55 88 92.