Kinh hoàng những khối u vú sùi như súp lơ đỏ vì đắp lá chữa ung thư

(Dân trí) - Bệnh nhân H.T.T (sinh năm 1957, Bắc Quang, Hà Giang), tự sờ thấy u vú trước khi vào viện 1 năm nhưng bệnh nhân không đi khám và tự đắp lá tại nhà. Tháng 7/2018 bà được gia đình đưa đến Bệnh viện K trong tình trạng khối u đã vỡ gây loét ngoài da, sần sùi như một cây súp lơ có màu đỏ.

BS Đỗ Huyền Nga, Phó trưởng khoa Nội 1, nơi bệnh nhân điều trị cho biết tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ vú trái, giai đoạn lan rộng tại chỗ không còn khả năng phẫu thuật mà chỉ có thể tiến hành truyền hóa chất điều trị triệu chứng, giúp kéo dài thời gian tối đa. Đến nay, bệnh nhân đã được hóa trị 4 lần.

Theo BS Nga, tình trạng bệnh nhân đắp lá, cao, đắp đủ thể loại vào khối u xảy ra khá phổ biến, không chỉ ở bệnh nhân vùng sâu, vùng xa, nông thôn, mà ngay tại các thành phố, khi nghe nói bất cứ một phương pháp nào họ cũng đều muốn “thử một cơ hội”. Điều nguy hiểm nhất của đắp lá, cao đó là người bệnh bỏ qua thời gian vàng, khi đang ở giai đoạn 1 – 2 điều trị ung thư mang lại hiệu quả rất cao thì không điều trị, đến khi thử đắp lá một thời gian dài, khối u vẫn tiếp tục phát triển, lớn lên, thậm chí di căn mới đến viện.

TS.BS Lê Thanh Đức (trưởng khoa Nội 5, BV viện K) cho biết, những bệnh nhân khi đắp lá, đắp cao (dán), phết loại cao giống hồ nước vào khối u vú, hay có những bệnh nhân nghe mách nước, bôi cả nước mắm vào khối u.… với hi vọng hút khối u, khiến u tan ra đều thất bại.


TS.BS Lê Thanh Đức- Trưởng khoa Nội 5, BV viện K.

TS.BS Lê Thanh Đức- Trưởng khoa Nội 5, BV viện K.

Chưa kể một số loại hồ, cao nóng khi đắp lên còn kích thích tế bào phát triển, một số loại khác không kích thích nhưng cũng không làm bệnh lui đi, nhưng làm mất thời gian vàng điều trị.

“Những bệnh nhân đắp lá, đắp cao đều đeo đuổi 5 – 6 tháng, thậm chí cả năm trong khi đó khối u vẫn phát triển to lên theo thời gian, làm chuyển từ giai đoạn sớm thành giai đoạn muộn, từ chưa di căn thành di căn”, TS Đức cảnh báo.

Tại khoa Nội 5, thỉnh thoảng bác sĩ lại tiếp nhận ca bệnh nhân vào viện trong tình trạng ngực loét, khối u to như trái bưởi, có người vừa đỏ, căng, có người vỡ loét chảy mủ, nách to, sưng đỏ.

"Bệnh nhân bôi mắm vào khối u là bệnh nhân ở ngay Hà Nội. Điều này cho thấy người bệnh vẫn dễ bị “xui dại” từ bài quảng cáo, facebook, truyền mạng thậm chí xui không nên chữa, không nên mổ, không nên hóa trị…Rất nhiều bài viết ”mạo danh” các chuyên gia khuyên bị ung thư thì phẫu thuật, không hóa trị… và tôi khẳng định trên y văn thế giới, không bao giờ có chuyện điều trị lại làm xấu đi tình trạng bệnh nhân hơn là không điều trị. Thế nhưng người bệnh lại rất dễ dàng tin vào những thông tin không được kiểm chứng", TS Đức nói.

Các bác sĩ khuyến cáo tình trạng không nên giấu người thân bị ung thư để tự tìm đến các “lang vườn”, đắp lá nóng triền miên, khiến da bị hoại tử. Thậm chí có người không hiểu nghe ai mách, đắp cả asen, thủy ngân, khiến da bị lở loét đến mức hở cả động mạch. Thay vì bệnh thuyên giảm, vết thương ngày càng lở loét, chảy mủ và khi được đưa đến viện thì đã ở giai đoạn muộn, chữa trị chỉ giúp họ giảm đau đớn, kéo dài thời gian sống.

Ung thư vú: Chữa khỏi nếu phát hiện sớm

Ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm có thể chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống đáng kể. Hơn nữa, Tây y đã xác định có trên 200 loại ung thư khác nhau, nhưng các “lang băm” thường chỉ có một “bài thuốc” và cứ thế tùy tiện áp dụng cho mọi bệnh nhân ung thư, vì thế việc sử dụng bừa bãi các bài thuốc này đã làm nhiều bệnh nhân ung thư phải chịu những hậu quả đáng tiếc. Trong đó, phổ biến nhất là làm mất cơ hội điều trị khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, đến khi đã muộn thì việc điều trị không đem lại hiệu quả cao, người bệnh bị tử vong rất nhanh.

TS Đức cho biết, với ung thư vú, nếu phát hiện ở giai đoạn 1 – 2, tỉ lệ chữa khỏi rất cao, người bệnh sống thêm 5 – 10 năm, thậm chí 20 năm sau vẫn khỏe mạnh. Không ít bệnh nhân ung thư vú sau điều trị vẫn sinh con khỏe mạnh.

"Đây cũng là loại ung thư dễ phát hiện nhất do người bệnh có thể tự sờ thấy một khối u ở vú, hạch ở nách. Vì thế, khi sờ thấy khối u ở vú, hạch ở nách, hay dịch máu bất thường ở đầu vú, hoặc cảm thấy bất thường cơ thể cần đi khám ngay. Đừng trì hoãn nay bận, mai bận để rồi không đến viện khám sớm", TS Đức khuyến cáo.

BS Nga đưa ra lời khuyên, chị em phụ nữ, từ tuổi trẻ đến trung niên hãy hình thành thói quen tự khám vú mỗi tháng. Sau kỳ kinh nguyệt 7 ngày là thời điểm tuyến vú mềm nhất, hãy đứng trước gương để tự kiểm tra vú. Hãy tạo thành thói quen tháng nào cũng kiểm tra.

Với người có nguy cơ cao (bố mẹ ung thư vú, anh em bị ung thư vú, ung thư dại trực tràng, phổi, nên đến bệnh viện tầm soát định kỳ từ 40 tuổi. Còn với người dân, sau 50 tuổi, ngoài tự khám vú mỗi tháng nên đến viện tầm soát 1 năm một lần, nếu có nguy cơ thời gian tầm soát rút ngắn lại,"

Với ung thư, quan điểm khỏi khác bệnh lý khác, sau 5 năm không tái phát được coi là khỏi, vì nguy cơ bị tái phát ung thư vú ở người bệnh sau mốc thời gian này trở lại bằng người bình thường. Tỉ lệ điều trị khỏi ung thư vú cũng cao lên nhờ đến viện sớm.

Sau điều trị bệnh, cần duy trì chế độ sinh hoạt như bình thường nhất có thể, vận động thể dục thể thao, nếu có thể đi làm bình thường.Sau điều trị không để tăng cân, nhiều người bồi bổ tăng cân, có những nghiên cứu tăng cân làm tăng nguy cơ tái phát.

Hồng Hải