Không thể xem nhẹ dịch cúm gia cầm khi Covid-19 vẫn phức tạp
(Dân trí) - Virus cúm gia cầm có thể gây bệnh cho người và gây chết người, vì vậy trong bối cảnh dịch virus Covid-19 trên người đang diễn biến phức tạp, thì không thể xem nhẹ nguy cơ khác là dịch cúm gia cầm.
Mới đây, tại hội nghị “Triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc”, diễn ra ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y thông tin: Tính đến ngày 11/2, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Hiện nay, cả nước có 9 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 21 ngày.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện mật độ chăn nuôi gia cầm đang cao nhất từ trước tới nay; thời tiết ngày càng cực đoan bất lợi, cộng với việc vận chuyển hàng hóa tăng cao, tập quán buôn bán, giết mổ ở nhiều vùng theo truyền thống sẽ gây khó khăn cho việc ứng phó dịch bệnh.
"Chăn nuôi quy mô lớn đã chiếm căn bản nhưng hiện vẫn còn một bộ phận sản xuất, chăn nuôi nông hộ nên đây sẽ là nguy cơ lớn, nếu không xác định đúng điểm rất dễ bùng phát dịch bệnh", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
Cũng liên quan đến nội dung trên, PGS.TS Nguyễn Bá Hiên (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Bộ NN&PTNT), người có nhiều năm tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm kể từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam năm 2003 nhận định: Hiện nay, diễn biến thời tiết giao mùa, ẩm độ cao đang tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất nguy hiểm.
Sau nhiều năm ứng phó, dịch cúm gia cầm vẫn chưa được xử lý triệt để và trở thành dịch lưu hành trong cả nước với những ổ dịch phát ra lẻ tẻ hoặc ồ ạt liên tục qua các năm.
"Virus cúm gia cầm có khả năng đột biến rất cao, có thể gây bệnh cho người và gây chết người, vì vậy trong bối cảnh dịch virus Covid-19 trên người đang diễn biến phức tạp, thì không thể xem nhẹ nguy cơ khác là dịch cúm gia cầm", PGS.TS Nguyễn Bá Hiên đưa ra cảnh báo.
PGS. TS Nguyễn Bá Hiên cho biết thêm, từ đầu năm 2020 đến nay, các ổ dịch cúm gia cầm được phát hiện có rất nhiều ổ dịch là chủng virus cúm A/H5N6. Bên cạnh chủng virus cũ là A/H5N1 thì virus cúm A/H5N6 là chủng virus còn mới (phát hiện năm 2014). Vì vậy trong tự nhiên, chưa hình thành được miễn dịch quần thể, vì vậy nếu xảy ra dịch thì nguy cơ bùng phát và lây lan mạnh, với độc lực cao...
“Những năm trước đây, Học viện từng được giao triển khai đề tài lấy mẫu, điều tra sự lưu hành của virus cúm gia cầm A/H7N9 tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc với số lượng hàng chục vạn mẫu. Kết quả cho thấy mặc dù không phát hiện chủng virus A/H7N9, tuy nhiên đã phát hiện sự lưu hành trên diện rộng của chủng virus cúm A/H5N6. Vì vậy, đây là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn việc bùng phát dịch cúm A/H5N6 trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Bá Hiên cảnh báo.
Trước bối cảnh dịch cúm gia cầm nói trên, PGS.TS Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, với năng lực của hệ thống trang thiết bị xét nghiệm sẵn có, đặc biệt là Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học thú y (Khoa Thú y), đơn vị này sẽ nhận xét nghiệm miễn phí mẫu gia cầm nghi nhiễm bệnh virus cúm gia cầm cho người chăn nuôi nhằm chủ động phát hiện sớm các ổ dịch tại các địa phương.
Ông Dương cho biết thêm, người chăn nuôi khi phát hiện đàn gia cầm có các biểu hiện nghi nhiễm bệnh do virus cúm gia cầm, có thể liên hệ gửi mẫu về Bệnh viện Thú y (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để được xét nghiệm miễn phí. Thời gian có kết quả chỉ trong vòng khoảng 2 ngày sau khi nhận mẫu.
"Bên cạnh đó, chúng tôi còn sẵn sàng điều động lực lượng cán bộ, nhà khoa học cũng như sinh viên chuyên ngành thú y gia hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là công tác điều tra lấy mẫu, tiêm phòng, ứng phó dập dịch...", ông Dương cho biết.
Nguyễn Dương