Không có bài thuốc nào phòng ngừa tai biến suốt đời
Trước việc bài thuốc đắp chân một lần chống tai biến lan truyền, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người không nên tin một cách quá dễ dãi với những bài thuốc trị bệnh không rõ nguồn gốc. Bài thuốc này trên thực tế chỉ là lời truyền miệng dân gian.
Bài thuốc đã từng được bán rầm rộ với giá 150.000đồng
BS Nguyễn Quốc Oai - Trưởng Khoa Đông y (Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, Hưng Yên) cho biết, trong Đông y, ngoài các dạng thuốc uống trong còn có cách dùng thuốc đắp ngoài có tác dụng giảm đau, tiêu viêm tại chỗ hoặc kích thích điều hòa khí huyết giúp bệnh mau hồi phục. Tuy nhiên, với bài thuốc “đắp chân” chỉ làm một lần mà cho tác dụng cả đời không bị tai biến mạch máu não (TBMMN) thì không có cơ sở khoa học.
Thực tế, bài thuốc này không có tác dụng gì. Xét từng thành phần thuốc theo bài thuốc thì đào nhân có tác dụng hoạt huyết; hạnh nhân dùng để trị các trường hợp ho do hàn; chi tử chỉ có tác dụng thanh, can nhiệt; hạt tiêu là để ôn lý trừ hàn cho các trường hợp rối loạn tiêu hóa do lạnh; gạo nếp và lòng trắng trứng có lẽ cũng chỉ có tác dụng kết dính. Các vị thuốc này phối hợp với nhau có thành bài thuốc uống thì qua phân tích từng vị sẽ thấy không có tác dụng ngừa bệnh cao huyết áp hay tai biến chứ ở đây chỉ đắp ngoài da. Nó chỉ là lời đồn thổi của dân gian.
“Người dân cần phải thận trọng với những bài thuốc được phát tán trên mạng và photocopy truyền tay nhau. Trước mắt có thể không nguy hại nhưng khó lường trước được về lâu dài chúng có gây hại ra sao. Nếu chỉ dùng ngoài bằng cách bó vào lòng bàn chân đến sáng bỏ ra, chỉ làm một lần mà cho tác dụng cả đời sẽ không bị tai biến thì thật khó tin. Màu xanh ra ở lòng bàn chân sau khi đắp là chuyện rất bình thường do các nguyên liệu và tinh dầu hạnh nhân”, BS Nguyễn Quốc Oai cho hay.
Đồng quan điểm, PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – Trưởng Khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng (Bệnh viện Quân y 103) cho hay, thông tin mà bài thuốc sử dụng như chỉ đắp một lần trong đời là bệnh hết hay sẽ trở lại bình thường sau một lần châm hoặc chích duy nhất là điều phi lý. Về mặt cơ chế không có điều này và không có một căn cứ khoa học. Một loại thuốc, một phương pháp chữa bệnh nào dù tốt đến mấy thì về phương diện khoa học y học cũng không thể sử dụng một lần là khỏi.
Các chuyên gia khuyến cáo, việc tự ý bỏ điều trị, dùng thuốc theo mách bảo dễ xảy ra tai biến, để lại di chứng nặng nề như tàn phế, yếu liệt, sống đời sống thực vật, thậm chí gây tử vong.
Không nên quá tin
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho biết, TBMMN được định nghĩa là "Mất cấp tính chức năng của não (chức năng vận động, chức năng cảm giác, chức năng các giác quan, chức năng thần kinh thực vật, chức năng tâm thần). Biểu hiện đó là do xuất hiện đột ngột các triệu chứng thần kinh khu trú, tương ứng với vùng não do động mạch bị tổn thương nuôi dưỡng. Các triệu chứng tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trong vòng 24 giờ, loại trừ nguyên nhân chấn thương".
Cho đến nay, cả y học cổ truyền cũng như y học hiện đại chưa có loại thuốc nào hay kỹ thuật can thiệp nào chỉ dùng một liều, một lần duy nhất có thể chữa khỏi hoàn toàn. Để tránh ảnh hưởng sức khỏe, mọi người không nên tin quá dễ dãi với những bài thuốc và phương pháp trị bệnh không rõ nguồn gốc. Nếu muốn dùng, hãy tìm đến các cơ sở y tế và thầy thuốc có chuyên khoa để được tư vấn đầy đủ.
Theo PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, nguyên nhân chủ yếu của bệnh TBMMN là do xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Đôi khi do các cục huyết khối từ nơi khác gây thuyên tắc động mạch não như huyết khối trong tâm nhĩ hay gặp ở những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim…
Không có bài thuốc nào có thể phòng ngừa bệnh tai biến suốt đời. Cách phòng tránh tốt nhất là mọi người cần có lối sống lành mạnh, tránh stress, tập thể dục đều đặn để hoạt động của tim mạch được dẻo dai, bền bỉ. Về chế độ ăn uống, nên ăn nhiều rau quả, ngũ cốc, hạn chế ăn quá mặn và nhiều mỡ động vật vì tăng cholesterol, triglyceride trong máu. Ngoài ra, tránh rượu bia, thuốc lá và các chất gây kích thích cho hệ thần kinh và hệ tim mạch.
Những người bị bệnh tăng huyết áp, ngoài áp dụng chế độ sinh hoạt như trên cần thường xuyên theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên (tốt nhất dưới 140/90mm Hg) và định kỳ xét nghiệm kiểm tra để có chế độ điều trị phù hợp.
BS Nguyễn Quốc Oai cũng cho biết, phòng chống bệnh tai biến cần phải đề phòng từ nguy cơ gây bệnh tai biến tức huyết áp tăng, bệnh mỡ máu, tim mạch… Nếu bệnh tai biến điều trị theo Đông y sẽ tùy vào các thể bệnh và giai đoạn mà có những cách chữa khác nhau. Cấp tính có khai khiếu tỉnh thần, hồi dương cứu nghịch. Hồi phục có bổ khí, hóa ứ, thông lạc…
Các bác sĩ cũng khuyến cáo đang nằm điều hòa, khi ra ngoài cần phải từ từ, nhất là người già vì việc đột ngột ra vào sẽ làm co thắt mạch. Tăng huyết áp là nguyên nhân thường gặp của tai biến. Khi cơ thể có biểu hiện như đau đầu ở gáy, mệt mỏi, ù tai, chóng mặt… mọi người nên đi khám để tìm nguyên nhân bệnh cũng như đánh giá các ảnh hưởng của tăng huyết áp lên các cơ quan. Tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân gây tăng huyết áp, các bác sỹ sẽ có bài thuốc phù hợp với tình trạng và cơ thể mỗi bệnh nhân.
Châm nặn máu hoặc chích huyết các đầu ngón tay là những kỹ thuật cấp cứu trong y học cổ truyền, có tác dụng khai khiếu tỉnh thần, giúp bệnh nhân hôn mê phục hồi ý thức. Tuy nhiên, người thực hiện phải là các thầy thuốc lành nghề, xác định huyệt vị phải chính xác, châm kim nông sâu, nặn máu vừa chừng mới hiệu quả. Và sau khi thực hiện sơ cấp cứu, người bệnh vẫn cần được đưa đến các cơ sở y tế uy tín để theo dõi điều trị chứ không thể coi là bệnh hết như bài thuốc khẳng định. BS Nguyễn Quốc Oai |
Theo Phương Thuận
Báo Gia đình & Xã hội