Không chỉ ngon ngọt, quả vải còn là “khắc tinh” của bệnh ung thư

(Dân trí) - Không chỉ là một sản vật mùa hè, trái vải còn mang trong mình khả năng phòng ngừa bệnh tật đáng kinh ngạc, thậm chí loại trái cây này còn được xem là “khắc tinh” của ung thư.

Giá trị sức khỏe đáng kinh ngạc của vải

Mùa vải đến là dịp chúng ta có cơ hội thưởng thức một sản vật vừa ngon lành vừa bổ dưỡng mà thiên nhiên đã ban tặng. Đi cùng với hương vị đặc sắc, hàm lượng dinh dưỡng mà trái vải sở hữu cũng rất đáng kinh ngạc. Theo ước tính, trong mỗi 100g cơm vải có chứa: 0.7g Protein, 0.6g lipit, 13.3g đường, 6mg canxi, 34mg phốt pho, 0.5g sắt, 193mg Kali, 17.8mg Magiê và nhiều loại vitamin, axit hữu cơ khác.

Không chỉ ngon ngọt, quả vải còn là “khắc tinh” của bệnh ung thư - 1

Hàm lượng dưỡng chất dồi dào khiến vải trở thành một loại trái cây mang đến nhiều giá trị cho sức khỏe như: điều hòa huyết áp, chống tia UV, giúp xương chắc khỏe, tăng sự ham muốn, giảm cân, duy trì mái tóc chắc khỏe và đặc biệt là phòng, chống ung thư.

Theo đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quả vải chứa hàm lượng các hoạt chất sinh học có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, từ đó bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do, vốn là nguyên nhân dẫn đến lão hóa và nhiều bệnh mạn tính, trong đó có ung thư. Bên cạnh khả năng phòng ngừa ung thư, các polysaccharides hay polyphenols trong loại quả này còn được chứng minh về tác dụng làm chậm tốc độ phát triển của các khối u trong cơ thể.

Không chỉ ngon ngọt, quả vải còn là “khắc tinh” của bệnh ung thư - 2

Ngoài ra, vải còn rất dồi dào các thành phần có ích khác như: protein, uronic acid, arabinose, galactose, xylose… đều có khả năng chống lại nhiều dòng tế bào ung thư khác nhau, điển hình là ung thư gan và ung thư phổi.

Một số công trình khoa học gần đây cũng cho thấy, việc ăn vải thường xuyên giúp kích thích các tế bào miễn dịch như đại thực bào, tế bào NK tìm, diệt mầm mống ung thư trong cơ thể.

Không chỉ có cơm vải, các thử nghiệm sử dụng chiết xuất vỏ hay hạt vải, để điều trị ung thư trên động vật cũng cho thấy các kết quả rất khả quan, đặc biệt là đối với ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

Ăn vải đúng cách để tối ưu giá trị sức khỏe mang lại

Bên cạnh ăn vải tươi, thì vải ngâm đường hoặc vải sấy khô là cách giúp chúng ta có thể thưởng thức vải khi đã hết mùa. Cần lưu ý rằng, vì vải có hàm lượng đường cao nên ăn nhiều dễ làm tăng đường huyết nhanh, điều này rất không có lợi cho những người mệt mỏi do bệnh tiểu đường. Trẻ em cũng không nên ăn nhiều dễ sinh mụn nhọt, mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 100g vải tươi( 5-6 quả), người trưởng thành cũng không nên ăn quá 10 quả vải mỗi lần, bởi ăn nhiều sẽ làm gan sinh hỏa, lưỡi họng đau rát, nghiêm trọng hơn còn dẫn đến buồn nôn, chân tay mỏi rã rời, hoa mắt chóng mặt.

Không chỉ ngon ngọt, quả vải còn là “khắc tinh” của bệnh ung thư - 3

Ngoài ra, y học cổ truyền cho rằng, quả vải thuộc loại thức ăn có tính ôn, ăn nhiều sẽ “sinh hỏa” và dân gian cũng có câu “một quả vải bằng ba ngọn đuốc”. Vì vậy, khi ăn vải nên ăn cả lớp màng trắng (là lớp màng mà bóc vỏ ngoài ra chúng ta nhìn thấy bọc bên ngoài cơm vải) sẽ không bị sinh hỏa. Lớp màng trắng đó có hơi chát, khi ăn đến cơm vải ta sẽ cảm thấy cơm vải càng ngọt hơn.

Minh Nhật

 Theo Nutrient