Không ca mắc Covid-19, nguy cơ ghi nhận ca bệnh mới vẫn hiện hữu

Nam Phương

(Dân trí) - Tối 23/10, Việt Nam không có thêm ca mắc Covid-19. Theo Bộ Y tế, trong nhiều ngày qua nước ta không có ca mắc ngoài cộng đồng song nguy cơ cơ vẫn hiện hữu.

Tính từ 6h đến 18h ngày 23/10, Việt Nam có 0 ca mắc mới Covid-19. Như vậy, đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.148 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).

Ngày 23/10 là ngày thứ 51 liên tiếp nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. 

Không ca mắc Covid-19, nguy cơ ghi nhận ca bệnh mới vẫn hiện hữu - 1

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 13.652, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 149

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.421

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.082.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:

- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:

+ Lần 1: 5

+ Lần 2: 6

+ Lần 3: 11

- Số ca tử vong: 35 ca.

- Số ca điều trị khỏi: 1.049 ca.

Tăng cường chống dịch bệnh mùa đông xuân

Bộ Y tế vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân. 

Theo đó, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 vẫn tiêp tục bùng phát. Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như MERS-CoV và một số bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh bạch hầu vẫn gia tăng tại nhiều quốc gia, các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát và xâm nhập vào nước ta. 

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã và đang được kiểm soát tốt, trong nhiều ngày qua không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng, song nguy cơ ghi nhận ca bệnh mới vẫn hiện hữu. 

Đa số bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng giảm nhưng vẫn có số mắc cao, gia tăng cục bộ, ghi nhận các ổ dịch tại một số địa phương hoặc có số tử vong cao như bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh bạch hầu, bệnh dại; các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh thành phố.

Trong những tháng mùa đông xuân cuối năm và đầu năm 2021 tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp. Bệnh Covid-19 chưa có vắc xin dự phòng, cùng với nhiều yếu tố bất lợi (hiện vẫn trong mùa mưa khu vực miền Nam, thời tiết lạnh ẩm khu vực miền Bắc, ngập lụt khu vực miền Trung, thay đổi bất thường về khí hậu, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng giao lưu đi lại...) tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là các bệnh như Covid-19, sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng.... 

Không ca mắc Covid-19, nguy cơ ghi nhận ca bệnh mới vẫn hiện hữu - 2

Để chủ động và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; duy trì triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 với quan điểm không chủ quan, lơ là, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lâỵ, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả của tổ phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng.

Các đơn vị y tế dự phòng cần tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, đặc biệt là bệnh Covid-19, MERS-CoV, cúm A(H7N9), bệnh cúm A(H5N1), A(H5N6). Đồng thời, chú trọng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...), xử lý triệt để các ô dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng.

Tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố; tăng cường triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng dịch vụ, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô cấp xã… 

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Các tỉnh cần lưu ý tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, thông điệp 5K phòng chống Covid-19 (gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) đến từng hộ gia đình cộng đồng.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thường xuyên đánh giá, phân tích dịch tễ, nguy cơ bùng phát dịch đối với từng bệnh truyền nhiễm và dự báo diễn biến tình hình dịch để tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống dịch đối với từng khu vực, từng tỉnh, thành phổ. Tổ chức và duy trì các đội đáp ứng nhanh, hỗ trợ địa phương giám sát dịch bệnh, khoanh vùng, xử lý ổ dịch…

Các Bệnh viện tổ chức tốt việc việc phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, cấp cứu thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các khoa có nguy cơ cao lây nhiễm như hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, truyền nhiễm. Tổ chức tuyên truyền cho người bệnh người chăm sóc về các biện pháp phòng bệnh, phòng lây nhiễm tại cơ sở y tế.

Cục Quản lý Dược được yêu cầu chỉ đạo các bệnh viện, công ty dược phẩm tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phục vụ phòng chống bệnh dịch và chữa bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt.