1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khổ như say cà phê

(Dân trí) - Một tách cà phê nhỏ có thể khiến người uống nôn nao, bồn chồn, không ăn ngủ được trong nhiều tiếng đồng hồ... và sau đó là tình trạng nôn khan, nôn, thậm chí co giật, da nhợt, vã mồ hôi lạnh.

Chị T.H.H (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trận say cà phê hôm chủ nhật vừa rồi khiến giờ chị vẫn còn choáng váng và kinh sợ, quyết tâm sẽ không bao giờ chạm vào thứ đồ uống này.

Co giật, tăng nhịp tim vì say cà phê

“Mình vốn hay bị cảm giác nôn nao khi uống cà phê nhưng đôi khi thấy thèm, không kìm được vẫn uống nhưng sáng rồi mình đã uống nhiều hơn thường lệ (ngoài 1 tách thông thường thì uống nốt nửa tách cà phê sữa của chồng) sau khi ăn nửa chiếc bánh mỳ. 

Chỉ khoảng 2 tiếng sau, mình bắt đầu thấy nôn nao, tay run run, cồn cào vội vàng đi ăn mà không ăn nổi. Nôn khan liên tục như người nghén và rồi nôn ra ồng ộc. Sau nôn, người có dễ chịu hơn chút nhưng người vẫn nôn nao, cồn cào, đi loạng choạng như người say. 

Hoảng quá mình đã định đến viện nhưng lại thôi vì xấu hổ, ông xã phải tìm trên google cách khắc phục say cafe, ép mình uống nước liên tục mà tình trạng vẫn không cải thiện. Thực sự là đi không nổi, ngồi không yên, nằm không thể nhắm mắt và đến tối tận tối vẫn vật vã không ngủ được để đến sáng hôm sau người chìm trong mệt mỏi”, chị H nhớ lại cảm giác kinh hoàng khi bị say cà phê.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương), tình trạng say cà phê không phải là cá biệt mà rất phổ biến. Mọi người thường nghĩ một lúc là hết nhưng có những tình huống say cà phê buộc phải đến viện, không người say sẽ vô cùng mệt mỏi bởi những tác động của cà phê.

Nguyên nhân là do trong cà phê chứa thành phần cafein. Đây là một chất kích thích thần kinh. Khả năng dung nạp và thải trừ cafein ở từng người rất khác nhau. Khả năng này phụ thuộc vào các yếu tố như cơ địa, thói quen dùng các sản phẩm chứa cafein và khả năng chuyển hóa của gan mỗi người.

Nếu một người sử dụng quá nhiều cafein, sẽ có các biểu hiện “say” cà phê  bao gồm: Lo âu, bồn chồn, khó chịu, khô miệng, ợ nóng; nhịp tim tăng nhanh và cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, da ửng đỏ. Nặng hơn có thể thấy chóng mặt, hoa mắt, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa. Những trường hợp ngộ độc caffein trầm trọng có thể có co giật, tăng đường huyết cấp tính, da tái nhợt, vã mồ hôi lạnh.

Những cảm giác trên là do cafein ngấm vào máu gây kích thích, làm tim đập nhanh và mạnh; trên hô hấp chúng làm tăng nhịp thở, làm giãn phế quản. Chúng còn làm giảm co thắt, tăng lợi tiểu.

Trên thần kinh trung ương, cafein kích thích vỏ não làm tăng hưng phấn, giảm cảm giác mệt mỏi, gia tăng sự tỉnh táo và làm giảm cơn buồn ngủ. Tuy nhiên, nếu sử dụng liên tục sẽ dẫn đến tình trạng ức chế, gây thiếu tập trung, căng thẳng, gây ợ nóng, táo bón và tiêu chảy. Người sử dụng liều cao trong thời gian dài có thể gây mất ngủ, giảm khả năng suy luận, cảm giác mệt mỏi và lo âu, thay đổi tâm trạng.

Các tác dụng này của cafein có thể bắt đầu chỉ 15 phút sau khi uống và thường kéo dài tới 6 giờ. Trong thời kỳ mang thai, thời gian này có thể tăng đến 15 giờ.

Do đó, khi bị say cà phê, cần uống nhiều nước lọc giúp hòa loãng nồng độ cafein và tăng lợi tiểu để tăng cường thài trừ cafein ra ngoài. Những trường hợp nặng có thể đến BV để thầy thuốc sử dụng các thuốc đối kháng tác dụng dược lý của cafein để tránh các biến chứng nguy hiềm như co giật, nhịp tim quá nhanh.

Hồng Hải