1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khó kiểm tra, xử phạt người bán xôi, quả trứng vịt lộn...

(Dân trí) - Sau gần 4 tháng thí điểm việc thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) cấp xã, huyện, kết quả cho thấy hoạt động thanh tra chưa thực sự hiệu quả bởi nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, bán xôi, quả trứng vịt lộn, đồ ăn sáng... hay đơn giản chỉ vài luống rau nhà trồng nên dù có sai phạm cũng khó xử lý.

Ngày 16/3 Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã có buổi làm việc tại huyện Đông Anh, quận Nam Từ Liêm về việc thí điểm tranh tra ATTP tại đây.

Theo báo cáo của Huyện Đông Anh, tại cấp huyện có 10 cán bộ và cấp xã (tại hai xã thí điểm Uy Nỗ và Kim Chung) có 15 cán bộ. Kể từ khi triển khai (tháng 12.2015) đến nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP của huyện kiểm tra được 11 cơ sở, phát hiện xử phạt 4 cơ sở vi phạm 22,5 triệu đồng do các vi phạm: nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm không khám sức khỏe định kỳ; sử dụng vật liệu không đảm bảo an toàn chứa đựng thực phẩm; thiếu dụng cụ phòng chống côn trùng, động vật gây hại.

Đoàn công tác Cục ATTP làm việc với huyện Đông Anh. Ảnh: H.Hải
Đoàn công tác Cục ATTP làm việc với huyện Đông Anh. Ảnh: H.Hải

Theo đại diện của Huyện Đông Anh, công tác thanh tra chuyên ngành ATTP là công việc mới, đòi hỏi quy trình thủ tục chặt chẽ, phức tạp (23 bước cần ra văn bản) trong khi hầu hết mới chỉ qua tập huấn nghiệp vụ 10 ngày khiến triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP hết sức khó khăn. Do đó, lực lượng thanh tra ATTP chuyên ngành của huyện mới tập trung vào kiểm tra, nhắc nhở các vi phạm; nhân lực thanh tra ATTP ít (25 cán bộ tại huyện và xã nhưng có gần 4.000 cơ sở nuôi trồng, chế biến thực phẩm); cán bộ thanh tra ATTP đều kiêm nhiệm, chưa đầy đủ về phương tiện nên hạn chế về việc thực hiện thanh tra ATTP trên địa bàn.

Ông Vương Hồng Phong, Phó phòng Y tế huyện cho biết, việc kiểm tra phát hiện sai phạm chủ yếu dừng lại ở nhắc nhở. Dù nay có quyền thanh tra, được xử lý vi phạm, nhưng cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức pháp luật còn kém nên xử phạt cũng rất khó. “Có những cửa hàng kinh doanh chúng tôi yêu cầu kiểm tra hóa đơn, giấy tờ còn không biết tại sao phải có hóa đơn, giấy tờ. Vì thế, trong thời gian qua, chỉ kiểm tra được một HTX rau sạch, một công ty rau sạch, xử phạt hơn 10 triệu vì dùng thùng nhựa màu để muối dưa cung cấp cho bếp ăn tập thể, xử phạt vì người sơ chế rau chưa được kiểm tra sức khỏe”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho rằng để công tác ATTP cấp xã huyện được đảm bảo, phải kiểm tra thường xuyên đột xuất chứ không nên thanh tra theo kế hoạch. “Cửa hàng kinh doanh đó, mình đến bất ngờ, kiểm tra sẽ thấy thịt mua về để tủ để kinh doanh mà không có hóa đơn, không có kiểm duyệt rõ là không đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không “hỗ trợ” nhau, hóa đơn ngày hôm qua lại dùng cho ngày hôm nay mới tăng dần được ý thức về an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh. Hay thanh tra kế hoạch, theo quy định báo trước đơn vị đến 5 ngày thì rất khó để phát hiện, chấn chỉnh sai phạm”.

Còn theo ông Hoàng Đức Khang, Phó chủ tịch UBND xã Kim Chung, giám sát ATTP tại cơ sở rất khó khăn dù đã được trao quyền. Bởi người nông dân làm ăn manh mún, nhà có vài luống rau trồng, phát hiện sai phạm thì xử lý như thế nào? Hay có hộ bán thịt, buổi sáng lấy 20 - 30kg thịt tranh thủ bán ở chợ xã cũng không biết xử phạt vì thiếu giấy tờ xác minh nguồn gốc xuất xứ như thế nào? Hay những người bán xôi sáng, bán quả trứng vịt lộn, bát cháo sườn cho công nhân khu công nghiệp, họ bán từ 5h sáng đến 7h sáng đã kết thúc.

“Vì thanh kiểm tra rất khó khăn, nên chúng tôi xác định những “đối tượng” có nguy cơ về ATTP, mời họ lên tập huấn để tăng cường ý thức tự giác và cũng cho biết chủ trương sai phạm sẽ bị phạt. Chứ chúng tôi không đặt mục tiêu tiến hành được bao cuộc thanh kiểm tra”, ông Khang nói.

Tại quận Nam từ Liêm trong gần 4 tháng qua thanh tra được 32 cơ sở trong đó 17 ở quận, 15 ở phường, trong đó yêu cầu khắc phục tồn tại là 12 cơ sở, phạt 17 cơ sở với số tiền hơn 36 triệu đồng và cũng tồn tại nhiều khó khăn do nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, trong ngõ...

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP, việc triển khai thanh kiểm tra ATTP tuyến xã phường thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố yêu cầu lãnh đạo huyện, xã mỗi tháng phải tham gia trực tiếp thanh kiểm tra từ 1 - 3 lần để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thanh tra, kiểm tra ATTP.

Ông Long cũng yêu cầu địa phương cần tăng cường thanh tra đột xuất để phát hiện các vi phạm. Việc kiểm tra thường xuyên có thể tiến hành ngay ngay khi đủ lực lượng mà không cần phải đợi đủ 3 ngành (y tế - nông nghiệp - công thương), đảm bảo tính đột xuất, bất ngờ, khi phát hiện vấn đề vi phạm vẫn được dùng quyền để xử phạt, nên không nhất thiết lúc nào cũng phải thanh tra.

Hồng Hải