Khi nào nam giới nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt?

Cẩm Tú

(Dân trí) - Ung thư tuyến tiền liệt có thể điều trị được khi phát hiện sớm. Cứ 9 nam giới lại có một người có thể có chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt vào một lúc nào đó trong đời.

Nam giới nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt ở độ tuổi nào?

Quỹ Ung thư Tuyến tiền liệt khuyến cáo nam giới có tiền sử gia đình mắc ung thư nên tầm soát ung thư ở tuổi 40; nếu không có yếu tố, nên tầm soát ở tuổi 45.

Hội Ung thư Mỹ khuyên người có "nguy cơ trung bình" nên tầm soát ở tuổi 50, trong khi "người có nguy cơ cao phát triển ung thư tuyến tiền liệt" (trong trường hợp có người thân như như cha hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi), nên tầm soát ở tuổi 45. Những người có "nguy cơ thậm chí cao hơn" nên được tầm soát ở tuổi 40.

Vào năm 2018, Cơ quan chuyên trách Dịch vụ Dự phòng Mỹ đưa ra khuyến nghị nam giới nên bắt đầu nói về việc khám sàng lọc với bác sĩ ở tuổi 55.

Những hướng dẫn khác nhau này là do các yếu tố nguy cơ khác nhau mà mỗi người phải đối mặt. Những yếu tố như tiền sử gia đình, các yếu tố môi trường, chủng tộc và hơn thế nữa đều có thể đóng vai trò khi đánh giá nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Ngay cả khi việc tầm soát không được thực hiện ngay lập tức, thì nam giới ít nhất cũng nên bắt đầu thảo luận sớm với bác sĩ, thậm chí có thể ở độ tuổi 30 hoặc 40 về thời điểm bắt đầu tầm soát. Điều này sẽ quan trọng nhất đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư tuyến tiền liệt và nguy cơ cao bị ung thư tuyến tiền liệt sớm. Đó là những người có lẽ nên thảo luận và đưa ra quyết định về thời điểm bắt đầu tầm soát ở độ tuổi tương đối trẻ.

Những người có "tiền sử gia đình" về ung thư tuyến tiền liệt khởi phát sớm có thể muốn thảo luận với bác sĩ sớm hơn, trong khi những người ít nguy cơ hơn có thể chờ đợi thêm.

Các nguyên tắc về tần suất kiểm tra lại cũng khác nhau. Người có kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) cao, một loại protein được tạo ra bởi các tế bào trong tuyến tiền liệt, có thể được khuyến nghị khám lại thường xuyên hơn, nhưng những người có mức PSA thấp hơn thì chỉ cần khám lại 4 năm một lần hoặc lâu hơn.

Người ở tuổi 55 và có PSA<1 có thể đợi 4 năm để được khám lại. Ngoài ra, người 45 tuổi và có PSA = 2,5 thì có thể cần sinh thiết hoặc khám lại mỗi năm một lần. Tần suất tầm soát ung thư thực sự phụ thuộc vào chi tiết cụ thể của bệnh nhân.

Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?

Việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt có thể được tiến hành theo một trong hai cách. Đầu tiên, xét nghiệm PSA, là xét nghiệm máu đơn giản. Thứ hai là thăm trực tràng, chỉ mất chưa đến 30 giây để thực hiện. Bản thân việc thăm trực tràng sẽ không bổ sung nhiều, nhưng có thể kết hợp với xét nghiệm máu để đưa ra hình ảnh đầy đủ về tình hình sức khỏe của bệnh nhân.

Sau khi hoàn thành việc thăm khám và lấy máu xét nghiệm, kết quả được "đánh giá cùng nhau."

Bác sĩ sẽ quyết định việc kiểm tra tiếp theo nếu kết quả tầm soát cho thấy có điều gì đó đáng lo ngại, hoặc sẽ hẹn khám lại theo lịch trình.