1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hồng ngâm tươi rói nhờ... chất bảo quản

Theo PGS Trịnh Lê Hùng, nếu ruột quả đã ngấm thuốc thì các cách như rửa bằng nước sạch, ngâm quả với nước muối cũng gần như không ăn thua.

 

Hồng ngâm tươi rói nhờ... chất bảo quản  - 1

Những quả hồng lấy từ chợ Long Biên về vẫn còn vương vãi bột thuốc
 

Theo tìm hiểu, hầu như toàn bộ số hồng ngâm được bày bán trong các chợ và trên các xe rong đều được lấy từ chợ đầu mối hoa quả Long Biên, một số lấy từ chợ Cầu Diễn. Nguồn hàng nhập về các chợ này đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

 

“Thời gian vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam không ngắn, chưa kể giai đoạn từ khi bắt đầu hái quả, đến lúc đóng gói và làm các thủ tục xuất nhập ở cửa khẩu, sau đó lại được vận chuyển qua các địa chỉ rồi mới được lưu thông trên thị trường. Nếu không có thuốc bảo quản để phun lên thì không thể khiến quả hồng ngâm (cũng như các loại quả khác) tươi ngon lâu như thế được”, PGS Trịnh Lê Hùng, chuyên gia nghiên cứu hoá học, công tác tại trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) cho biết.

 

Những quả hồng được lấy từ các thùng hoa quả trên chợ đầu mối Long Biên, vần còn vương vãi bột thuốc. Khi mở hộp chứa quả hồng ra, mùi thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn ngột ngạt.

 

Theo PGS Trịnh Lê Hùng, thuốc bảo quản thực vật có tác dụng ức chế hô hấp, làm chậm lại quá trình chín của quả và giúp quả tươi lâu hơn. Cùng với quá trình làm tươi lâu thì quả hồng cũng sẽ chậm thối hơn. Đây là điều quan trọng nhất đối với những người kinh doanh hoa quả.

 

Thuốc bảo quản thực vật trên hoa quả có thể chui vào các tế bào lục lạp trong quả hồng và đóng chặt trong đó, khiến vỏ quả hồng cứng lại và ruột quả hồng bị ngấm thuốc.

 

“Nếu ruột quả đã ngấm thuốc thì các cách như rửa bằng nước sạch, ngâm quả với nước muối cũng gần như không ăn thua”, ông Hùng nhấn mạnh.

 

Hồng ngâm tươi rói nhờ... chất bảo quản  - 2

Không chỉ có hồng ngâm, các loại quả khác cũng được sử dụng thuốc bảo quản, phun thẳng vào phần cuống. Do đó, có thể nhìn bề ngoài rất ngon nhưng phần cuống quả bên trong đã bắt đầu phân huỷ

 

Hiện nay, cách phổ biến nhất là phun thẳng hoá chất vào quả hồng. Phần lưu giữ nhiều nhất thuốc bảo quản và cũng là phần cần phun thuốc nhất chính là nũm quả hồng vì theo PGS Hùng, cuống quả là nơi côn trùng dễ chui vào nhất sau khi quả được hái, khiến quả nhanh bị thối rữa.

 

Vì vậy, không ngạc nhiên nếu khi mua hồng, người tiêu dùng phát hiện những vùng trắng ở nũm quả hồng. PGS Hùng cho biết: “Sau khi lưu thông trên thị trường và không được bổ sung tiếp thuốc bảo quản, quả hồng sẽ nhanh chóng xuống sắc. Nếu để tủ lạnh thì chỉ sau 1 đến 2 ngày quả bắt đầu có dấu hiệu thâm đen, núm bắt đầu mềm và độ ngọt giảm đáng kể. Điều này không giống như quảng cáo của người bán hàng là để được cả tuần cũng không sao! Nếu để được cả tuần thì chứng tỏ quả hồng đó đã được phun quá nhiều chất bảo quản”.

 

Nên ăn ở mức hạn chế

 

Tại các chợ hiện nay, có loại hồng ngâm còn được lọc sạch cuống và được rửa kỹ càng rồi mới đem bán. Theo ông Hùng, cách này chỉ để tăng cảm giác an toàn của người tiêu dùng chứ thực chất thuốc bảo quản đã được sử dụng rồi.

 

PGS Trịnh Lê Hùng khuyến cáo: “Người dân không thể không ăn hồng ngâm vì đây là một loại quả ngon và bản chất của nó khá bổ dưỡng, nhưng nên ăn hạn chế. Trước khi ăn, nên rửa sạch vỏ rồi gọt, gọt kỹ rồi tiếp tục ngâm nước muối để lọc bớt được chất độc hại ít nào hay ít đó”.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết: “Quan điểm của Bộ Y tế là không cho lưu thông các sản phẩm không an toàn đối với sức khoẻ người dân. Nhưng hiện nay, hoa quả nhập lậu rất nhiều, cơ quan chức năng quản lý thị trường cũng khó có thể kiểm soát được hết nguồn hàng”.

 

Theo thứ trưởng, bộ Y tế không có chức năng quản lý hoa quả nhập khẩu nhưng theo các nguồn thông tin khác nhau, hoa quả nhập về Việt Nam phần nhiều có xuất xứ Trung Quốc. Hiện nay, hoa quả nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, tức là nhập lậu, chiếm tới 60-70%.

Theo Ngọc Anh

Afamily