Hồi phục sau phẫu thuật ung thư: Những lưu ý quan trọng

(Dân trí) - Phẫu thuật là phương pháp cơ bản trong việc điều trị bệnh ung thư. Việc chăm sóc, phục hồi người bệnh sau phẫu thuật cũng là điều quan trọng không kém.

Hồi phục sau phẫu thuật ung thư: Những lưu ý quan trọng - 1

Duy trì tập luyện sẽ đẩy lùi nhiều bệnh tật

Xu hướng phẫu thuật hiện nay là tăng cường phẫu thuật bảo tồn tối đa, có phối hợp với các phương pháp điều trị khác (xạ trị, hoá trị liệu) nhằm cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Có hai loại chỉ định phẫu thuật là triệt để và tạm thời, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như quá trình tiến triển tự nhiên của từng loại ung thư.

Phẫu thuật triệt để: Chỉ định này áp dụng với những tổn thương còn nhỏ, khu trú, chưa có di căn xa và rộng.

Phẫu thuật triệt căn nhằm cắt bỏ rộng rãi u nguyên phát và các tổ chức lân cận để đảm bảo không còn sót tổ chức u và cắt bỏ rộng tổ chức bạch huyết vùng.

Phẫu thuật điều trị tạm thời: Chỉ định này áp dụng cho những trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn, tổn thương đã lan rộng để làm nhỏ u, phẫu thuật làm sạch nhằm làm cho bệnh nhân dễ chịu hoặc phẫu thuật mở thông các tắc nghẽn như mở thông dạ dày, dẫn lưu bàng quang…

Tuy nhiên, sau phẫu thuật, các bệnh nhân ung thư thường lâm vào tình trạng suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể bởi nhiều lý do như: mất máu và tiêu hao năng lượng quá nhiều, hệ thống tiêu hóa bị rối loạn làm ảnh hưởng đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, tình trạng nhiễm khuẩn, trạng thái căng thẳng thần kinh do đau đớn và mất ngủ cũng góp phần quan trọng tạo nên sự suy nhược cho bệnh nhân ung thư.

Hồi phục như thế nào là hợp lý?

Theo các chuyên gia, bệnh nhân ung thư sau mổ phải được chăm sóc và theo dõi sát tình trạng mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở. Duy trì dịch truyền trong vài ngày đầu sau mổ nhằm cân bằng nước, điện giải cho người bệnh.

Hướng dẫn người bệnh tập vận động sớm, tập hít thở và cho bệnh nhân ăn uống trở lại sớm vào ngày thứ nhất sau mổ.

Nhu cầu tăng dinh dưỡng và năng lượng giúp làm lành vết thương, chống nhiễm trùng và hồi phục sức khỏe sau cuộc mổ. Phẫu thuật làm ảnh hưởng đến khả năng ăn và tiêu hóa thức ăn. Vì vậy cần có chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý dành cho các bệnh nhân ung thư. Tránh các loại nước uống có ga và các loại thức ăn gây ra khí như đậu, đậu Hà Lan, bông cải xanh, bắp cải, củ cải, dưa chuột...

Chọn thức ăn giàu protein và nhiều calo như trứng, phó mát, sữa, kem, các loại hạt, bơ đậu phộng, thịt, gia cầm, cá...

Theo dõi chặt chẽ sau mổ để phát hiện sớm tái phát hoặc di căn ung thư tới các bộ phận khác. Thời gian theo dõi được khuyến cáo là từ 3 - 6 tháng trong ba năm đầu, mỗi 6 tháng cho năm thứ tư và năm thứ năm, sau đó là mỗi năm nên tái khám một lần.

Sử dụng các loại thảo dược, thuốc bổ có tác dụng bổ máu, nâng cao thể trạng, để bệnh nhân ung thư nhanh chóng cải thiện sức khỏe, thể chất, tránh suy kiệt sau phẫu thuật. Tuy nhiên trong ma trận thực phẩm chức năng hiện nay, người dùng cần lựa chọn cẩn thận và chỉ tìm mua những loại uy tín, đã được cơ quan chức năng kiểm chứng tác dụng.

BK

Tổng hợp