1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hội chẩn qua mạng: Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân

(Dân trí) - Sáng nay 11/8, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành hội chẩn từ xa qua mạng với Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, dù mô hình hội chẩn từ xa mới được thử nghiệm nhưng đây sẽ là một hoạt động thường xuyên của viện.

Hai trường hợp được Bệnh viện Hoà Bình lựa chọn trong ca hội chẩn lần này là bệnh nhân Bùi Thị Tâm, 8 tuổi chẩn đoán bị thiếu máu chưa rõ nguyên nhân và bệnh nhân Bùi Văn Tùng, 13 tuổi với chẩn đoán hội chứng thận hư tiên phát.

 

Theo BS Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, qua một vài chuyến đi tuyến ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, các bác sỹ thấy có nhiều bệnh đơn giản có thể chữa trị tại bệnh viện tỉnh, thậm chí bệnh viện tuyến huyện, nhưng họ vẫn đồng loạt kéo nhau về tận Hà Nội. Điều đáng đáng lo ngại là, một số trường hợp cấp cứu như đẻ non, bệnh về tim mạch, khi chuyển tới được Hà Nội, cơ hội bệnh nhân được cứu sống rất mong manh. Vì thế Bệnh viện Nhi Trung ương xây dựng đề án hội chẩn từ xa cho 10 tỉnh, trong đó đặc biệt ưu tiên các tỉnh miền núi.

 

Tại Hội thảo nghiên cứu thử nghiệm mô hình chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa tại Bệnh viện Nhi Trung ương sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đánh giá cao hiệu quả của mô hình này. Theo đó sẽ giảm tải bệnh nhân đưa đến tuyến trên, đồng thời giảm bớt chi phí cho người bệnh phải chuyển từ vùng sâu vùng xa lên trung ương mà chất lượng khám chữa bệnh vẫn được đảm bảo.

 

Phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ngắn PGS. TS Nguyễn Thanh Liêm

 

Thưa ông, mô hình hội chẩn từ xa sẽ được triển khai như thế nào?

 

Viện Nhi Trung ương tiến hành dự án này ít nhất cho 10 tỉnh, đặc biệt ưu tiên cho các tỉnh miền núi vì những tỉnh này có địa lý xa, giao thông khó khăn, trong quá trình chuyển bệnh nhân về bệnh viện Trung ương có nhiều nguy cơ tử vong xảy ra. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục làm ở Hoà Bình và triển khai ở các tỉnh khác như Hà Giang, Nghệ An... Mô hình chẩn đoán từ xa sẽ trở thành hoạt động thường kì của viện Nhi Trung ương.

 

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của chẩn đoán bệnh từ xa?

 

Tôi khẳng định việc chẩn đoán từ xa độ chính xác không khác nhiều lắm so với thăm khám trực tiếp. Mọi thông tin về bệnh nhân chúng tôi đều được các bác sĩ ở tỉnh cung cấp, rồi lại được nhìn trực tiếp bệnh nhân qua màn hình, chẩn đoán lại thông qua trao đổi trực tiếp, vì thế hiệu quả chẩn đoán độ chính xác tương đối cao.

 

Việc chẩn đoán từ xa cũng là một cơ hội để bổ sung, hỗ trợ các bác sĩ tuyến tỉnh về kiến thức, kỹ thuật, vì có một thực tế nhiều tỉnh, bác sĩ nhi khoa rất thiếu và yếu.

 

Tuy nhiên có một vấn đề, đó là cần phải cử cán bộ chuyên môn giỏi về để chuẩn hoá các máy móc ở bệnh viện tỉnh, để kết quả xét nghiệm có độ chính xác như ở bệnh viện trung ương.

 

Liệu có những khó khăn gì khi thực hiện mô hình này?

 

Đây là một đề án mang tính khả thi cao. Thế nhưng không phải là không có khó khăn. Cái khó khăn nhất hiện nay theo tôi nghĩ không phải là vấn đề kinh phí, mà là vấn đề vận chuyển các mẫu bệnh phẩm. Nếu chúng ta dùng một chuyến xe để đưa bệnh phẩm về Hà Nội thì rất lãng phí dù giá thành chắc chắn sẽ rẻ hơn vận chuyển bệnh nhân.

 

Khó khăn này sẽ được giải quyết nếu bưu điện có một dịch vụ chuyển phát nhanh các mẫu vật phẩm này. Theo tôi được biết, ở Hà Nội đã có dịch vụ này, nhưng là chuyển bệnh phẩm từ Việt Nam sang các nước xét nghiệm. Tôi nghĩ rất cần có dịch vụ chuyển phát nhanh bệnh phẩm liên tỉnh.

 

Đề án hội chẩn từ xa đều tập trung cho các tỉnh phía Bắc, còn các tỉnh miền Trung và Nam bộ thì như thế nào, thưa ông?

 

Có thể chúng tôi sẽ đề nghị Bệnh viện Nhi đồng I, Bệnh viện Trung ương Huế tham gia để tiến hành ở các tỉnh miền Trung, phía Nam. Trước mắt, ngay trong tháng này và tháng tới, chúng tôi sẽ triển khai tiếp ở một số tỉnh mặc dù chưa có đề án cụ thể.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Hồng Hải