1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hoang mang con bị nốt phỏng bất thường

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây, nhiều phụ huynh lo lắng đưa con tới bệnh viện, phòng khám vì bỗng dưng con bị nốt phỏng nước rất to trên cơ thể. Nhiều người lo sợ đó là biểu hiện bệnh tay chân miệng.

Nốt phỏng bất thường?

PGS.TS Nguyễn Văn Bàng, phó trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết, riêng trong ngày thứ 7 vừa rồi, ông trực tiếp khám cho 4 trường hợp bệnh nhi bỗng dưng xuất hiện nốt phỏng to trên cơ thể. Cha mẹ nào khi đưa con đến khám cũng hốt hoảng trước nốt phỏng bất thường này. Nhiều người còn lo sợ, liệu đó có là một thể khác của bệnh tay chân miệng?

Theo lời kể diễn tiến bệnh của cha mẹ các bé, thì những nốt phỏng này xuất hiện rất bất ngờ. Lúc đầu nốt phỏng này chỉ nhỏ như giọt sương, sau to dần, trong một ngày có thể to lên bằng đồng xu, thậm chí to bằng miệng chén. Xuất hiện nốt phỏng to nhưng trẻ không đau, không sốt, vết phỏng cũng không bị đỏ.

Chị Vân, một người có con bị nốt phỏng to bằng đồng xu ngay ở bọng tay chia sẻ: “Khi đón con ở trường mầm non về, nhìn thấy nốt phỏng ở tay, mình giật bắn người. Vội hỏi cô con bị bỏng hay có bất thường gì nhưng bản thân cô giáo cũng không phát hiện, mãi đến chiều bỗng dưng phát hiện nốt phỏng này trên tay bé. Chẳng kịp về nhà, tôi vội đưa con đến phòng khám”.

“Nốt to bằng đồng xu, hoặc to bằng cả miệng bát con ăn cơm. Ở mỗi trẻ, nốt phỏng lại khu trú ở một điểm khác nhau, không cố định. Có bé thì bị nốt phỏng to ở ngay vành tai, khiến da bị kéo mỏng, cả bọng nước kéo dài xuống. Có trẻ thì bị nốt phỏng ở đầu, mặt, chân, tay…”, TS Bàng nói.

Không nguy hiểm

Trực tiếp khám cho các cháu bị nốt phỏng bất thường này, BS Bàng cho rằng, bệnh do một loại vi rút gây ra. Tuy không xác định được loại vi-rút nào, nhưng BS Bàng cho rằng nó có thể là một dạng vi-rút của thủy đậu và nó không gây nguy hiểm cho trẻ và chắc chắn, đây không phải là bệnh tay chân miệng như nhiều phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, số trẻ bị mắc khá nhiều nên đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

“Vì nốt phỏng này bị “nông”, ở ngay lớp thượng bì, dịch nước trong nốt phỏng kéo giãn da khi sờ vào vết phỏng thấy “bùng nhùng” nước thì nhiều người thấy hoảng sợ, nhưng thực ra là không nguy hiểm”, TS Bàng khẳng định.

Vì dù trẻ bị nốt phỏng nước nhưng không hề đau đớn, sốt… nốt phỏng nông này sau 3 - 5 ngày sẽ tự vỡ và liền da. Bác sĩ cũng không kê thuốc thang gì cho trẻ mà chỉ hướng dẫn cách vệ sinh nốt phỏng cho cha mẹ.

“Lúc này, quan trọng nhất là dùng dung dịch sát trùng vệ sinh sạch sẽ vùng xung quanh nốt phỏng để tránh nguy cơ khi nốt phỏng vỡ da, vi khuẩn từ ngoài xâm nhập vào nốt phỏng gây nhiễm trùng”, TS Bàng nói.

Theo đó, cha mẹ có thể dùng nươc muối sinh lý, nước cồn i-ốt pha loãng làm 4 lần để rửa vết thương. Sau đó dùng gạc sạch thấm khô rồi bôi xanh-me-ti-len. Cũng cần lưu ý, tuyệt đối không tự trích vỡ bọng nước vì bọng nước lúc này đóng vai trò bảo vệ vùng da tổn thương. Để tự nhiên từ 3 - 5 ngày khi da non lên sẽ đẩy vỡ bọng nước là khỏi. Vì thế, khi con xuất hiện bọng nước này, việc cha mẹ cần nhớ là phải giữ vệ sinh thật tốt, sát trùng thật tốt cho trẻ, chỉ vài ba ngày là trẻ hết bệnh.

Hồng Hải