Hoảng hồn phát hiện 20 khối u mỡ trong bụng bệnh nhân

(Dân trí) - Bệnh nhân Nguyễn Thị H (35 tuổi, Uông Bí, Quảng Ninh) đến Bệnh viện (BV) K Trung ương khám trong tình trạng bụng to như bầu 8 tháng. Bệnh nhân cho biết mấy tháng gần đây tự dưng thấy bụng to ra, không đau, đại tiểu tiện bình thường nên cứ ngỡ do béo bụng.

PGS.TS Kim Văn Vụ, Trưởng khoa ngoại C cơ sở 1, bệnh viện K cho biết, bệnh nhân được chỉ định nhập viện với chẩn đoán u mạc treo lớn kích thước 15x20 cm. Tuy nhiên khi phẫu thuật các bác sĩ phát hiện bệnh nhân không chỉ có một khối u mà gồm rất nhiều u xếp tầng tầng, lớp lớp lên nhau thành một khối khổng lồ chiếm toàn bộ ổ bụng.


Các khối u mỡ được lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhân, với trọng lượng lên đến 6,7kg. Ảnh: BS cung cấp.

Các khối u mỡ được lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhân, với trọng lượng lên đến 6,7kg. Ảnh: BS cung cấp.

“Quá trình phẫu thuật rất khó khăn do khối u gồm rất nhiều thùy múi to, khiến cho các mạch trong ổ bụng: mạch mạc treo, ruột non, đại tràng, mạch thận trái chui qua u vào tạng. Nếu không bảo tồn được mạch, bệnh nhân thể bị tắc ruột, tắc thận", PGS Vụ nói.

May mắn, sau hơn 5 tiếng tỉ mỉ bóc tách, các bác sĩ đã bảo tổn được toàn bộ mạch và lấy tối đa được 20 khối u (kích thước từ 2 - 3 cm đến 18 x 20 cm) ra khỏi bụng bệnh nhân với trọng lượng là 6,5 kg.

Bệnh nhân vừa được ra viện sau hơn 1 tuần phẫu thuật.

Theo PGS Vụ, nhiều người vốn nghĩ u mỡ là lành tính nên hay chủ quan. Tuy nhiên u mỡ cũng rất nguy hiểm do nó có thể mọc ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể.

Ví như khối u mỡ ở cổ, vai, gáy... có thể gây chèn ép các dây thần kinh gây liệt hoặc làm rò ống bạch huyết (mạch máu lớn) gây tử vong. Đặc biệt, có những trường hợp u mỡ phát triển trong các nội tạng: gan, thận, tim, ổ bụng... sẽ dẫn đến những rối loạn chức năng của nhiều cơ quan, chèn ép các cơ quan nội tạng… gây nguy hiểm cho tính mạng.

Có trường hợp khối u phát triển sâu vào trong trung thất, khiến bệnh nhân bị khó thở, khó nuốt, thậm chí suy hô hấp...các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu cùng với khoa phẫu thuật lồng ngực. Hay cũng có trường hợp, bệnh nhân bị u mỡ trong ruột non gây tắc ruột, lồng ruột, thậm chí đi ngoài ra máu, bị hoại tử trong ổ bụng gây viêm phúc mạc nặng...

Vì thế, khi phát hiện có khối u nên đi khám chuyên khoa để xác định u lành hay ác tính. Hơn nữa, u lành tính cũng nên điều trị khi u còn nhỏ, bóc tách dễ dàng, u to gây chèn ép, có nguy cơ vỡ vừa khó khăn trong phẫu thuật lại ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ thể.

Đặc biệt lưu ý, u mỡ bên ngoài có thể nhìn thấy và điều trị được, nhưng các u mỡ bên trong, đặc biệt là trong ổ bụng, khoang ngực rất khó phát hiện. Vì thế, khi thấy đau, tức bụng, bụng to, rối loạn tiêu hóa người bệnh cần đi khám ngay.

Người bị u mỡ, người trong gia đình có tiền sử u mỡ cần phải bỏ hẳn thói quen uống rượu bia, thực hiện chế độ ăn giảm chất béo và đường để phòng nguy cơ.

Khi phát hiện khối u, tùy theo vùng mà bác sĩ sẽ cắt bỏ hay chỉ hút mỡ. Hút mỡ được chỉ định với các khối u nhỏ. Còn với các khối u to, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp thông thường, lấy bỏ toàn bộ khối u mỡ, sau đó cắt bỏ một phần da để tạo hình lại đảm bảo thẩm mỹ.

Thông thường mỗi ca phẫu thuật thường kéo dài 2,5 - 3 tiếng và sau khoảng 1 tuần bệnh nhân có thể ra viện.Tuy nhiên, mỗi lần phẫu thuật chỉ lấy được u tại một vùng, nên người có nhiều u sẽ phải phẫu thuật nhiều lần. Hoặc có những trường hợp có nhiều u mỡ thì một u mỡ nhỏ có thể còn sót bên cạnh một u mỡ to đã lấy đi và phát triển nên đôi khi người bệnh tưởng lầm là tái phát.

Tú Anh