1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Hết nỗi lo bệnh khoèo chân bẩm sinh!

(Dân trí) - Bệnh viện ĐH Y Dược Huế cho biết: Khoa Chấn thương chỉnh hình - Lồng ngực của bệnh viện đã cùng phối hợp với sự giúp đỡ của 1 chuyên gia chỉnh hình nhi người Mỹ chữa lành bệnh chân khoèo bẩm sinh cho 4 em bé dưới 6 tháng tuổi.

Trong ngày 19/3, BS Paul Wade, chuyên gia về chỉnh hình nhi của dự án POF, Hoa Kỳ (dự án chân giả ngoại vi) đã giúp đỡ cho Khoa Chấn thương chỉnh hình, lồng ngực BV ĐH Y - Dược Huế, tiến hành phẫu thuật miễn phí hoàn toàn cho 4 bệnh nhân nhi bị bệnh chân khoèo bẩm sinh có tuổi đời từ 10 ngày tuổi đến 6 tháng tuổi. Kết quả cả 4 ca phẫu thuật đều thành công tốt đẹp. 4 em bé từ này hết bị bệnh khoèo chân.

Hết nỗi lo bệnh khoèo chân bẩm sinh!
BS Paul Wide đang chỉ dẫn các BS tại Bệnh viện ĐH Y - Dược Huế các kỹ thuật nắn trong phương pháp Ponseti điều trị bệnh khoèo chân ở trẻ nhỏ

Các bác sĩ đã dùng phương pháp kỹ thuật Ponseti (kỹ thuật nặn bó bột theo phương pháp Ponseti) để chữa cho 4 em. Đây là một kỹ thuật mới do BS Ignacio Ponseti (ĐH Iowa, Hoa Kỳ) tìm ra, phát triển và ứng dụng trong điều trị bàn chân khoèo từ năm 1950. Kể từ khi phương pháp này ra đời thì cũng chính là bước ngoặt trong sự thay đổi quan niệm để điều trị bàn chân khoèo. Phương pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới và hiện nay là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị bàn chân khoèo.

Bệnh bàn chân khoèo thường bị biến dạng ở xương và cổ bàn chân. Ước tính cứ 1.000 ca sinh thì có một em bé bị  bệnh này. Bệnh xuất hiện ngẫu nhiên và không phải do lỗi ở mẹ trong thời kỳ mang thai hoặc không phải do di truyền từ gia đình. Theo các bác sĩ, khi người nhà thấy em bé bị bệnh này cần đưa sớm tới bệnh viện điều trị ngay thì sẽ cho kết quả rất tốt.

Nhờ vào điều trị phương pháp này mà rất nhiều em bé không may mắn mắc phải dị tật này được điều trị khỏi, nhiều em bé được phát hiện và điều trị sớm hơn (10 ngày tuổi có thể bắt đầu điều trị bằng bột) và kết quả mang lại hoàn hảo trên 95% các trường hợp

Hết nỗi lo bệnh khoèo chân bẩm sinh!
Cháu Nguyễn Quang Cường, gần 3 tháng tuổi ở xã Phú Sơn (Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên -Huế) đã được phẫu thuật bàn chân khoèo thành công

Đợt điều trị miễn phí bệnh chân khoèo cho các bệnh nhi này nằm trong khuôn khổ chuyến tập huấn về kỹ thuật Ponseti trong điều trị dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh ở trẻ em tại khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, lồng ngực (BV ĐH Y - Dược Huế) của dự án POF (Hoa Kỳ). Đây là lần thứ 2 tổ chức POF đến làm việc, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật Ponseti. BS Paul Wide cũng đã hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật nắn bó bột theo phương pháp Ponseti cho các bác sĩ, kỹ thuật viên bó bột và các học viên sau đại học đang thực tập tại khoa.

Hiện khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, lồng ngực (BV ĐH Y - Dược Huế) cũng đã áp dụng phương pháp này nhiều năm nay, kết quả điều trị cho các em bé mắc dị tật bàn chân khoèo thực sự tốt. Với sự hợp tác chặt chẽ của tổ chức POF, các phương tiện để giúp điều trị miễn phí cho các bệnh nhân nghèo và sự hỗ trợ tốt của phương tiện truyền thông, chúng ta có thể hy vọng ngày càng có nhiều trẻ em không may mắc phải dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh sẽ được tiếp cận với phương pháp tiên tiến này.

Đại Dương