1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hè về, cảnh báo tai nạn trẻ em!

Tháng 6 trở đi là lúc nhiều trẻ được nghỉ hè, vui chơi nhưng cũng là khoảng thời gian các bé dễ gặp tai nạn nhất.

Mới đây, tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước xảy ra tai nạn đuối nước đối với 4 học sinh THCS cùng thôn, độ tuổi 11 đến 13 (trong đó có 2 chị em ruột). Trời nóng bức, sau khi rủ nhau đi mót điều trong rẫy, các em kéo xuống hồ đập thủy lợi Đắk Liên để tắm. Không biết bơi lại gặp chỗ nước sâu nên các em đã trượt chân ngã xuống. Mặc dù được người dân phát hiện, cứu vớt nhưng bất lực, đến chiều cùng ngày mới tìm thấy thi thể các em. Theo người dân địa phương, hồ này là cái “bẫy” giăng sẵn và đây không phải lần đầu nhiều em thiệt mạng oan uổng.

Những “chiếc bẫy giăng sẵn”

Trước đó chưa lâu, tại tỉnh Nghệ An, 2 anh em họ (8 tuổi và 5 tuổi) rủ nhau ra sông gần nhà tắm và không may bị hụt chân ở chỗ nước sâu. Khi người lớn phát hiện thì các em đã bị đuối nước không thể cứu được. Từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh này xảy ra hàng chục vụ đuối nước với hơn chục người tử vong.

Tại các bệnh viện (BV) nhi TP HCM, gần đây số trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt vào dịp hè gia tăng hơn ngày thường.

BV Nhi Đồng 1 mới đây đã cấp cứu em N.T.D (15 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) bị ngộ độc thuốc. Bị cha mẹ la rầy và trong một phút bồng bột, D. đã uống một lúc 12 viên thuốc Cinarizin (loại thuốc trị rối loạn tiền đình) dẫn đến hôn mê, tím tái… Rất may là các bác sĩ đã kịp cứu sống em.

Tại BV Nhi Đồng 2, trong vòng một tháng nay, số ca phỏng ở trẻ tăng một cách đáng lo ngại. Mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận từ 1-2 trường hợp trẻ bị phỏng do xăng, điện hoặc gas. Trong số này có một bé trai 8 tuổi phỏng điện nặng đang được điều trị. Theo người nhà kể lại, em đã leo lên cột điện để lấy tổ chim nên bị điện giật rớt xuống đất, vừa bị bỏng điện vừa gãy đùi phải.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), mỗi năm có hơn 2.000 ca
chấn thương phải nhập viện
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), mỗi năm có hơn 2.000 ca chấn thương phải nhập viện

Theo cảnh báo của bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV Nhi Đồng 1, mùa hè là dịp các em nghỉ ngơi, vui chơi nhưng cũng là khoảng thời gian các bé thường gặp tai nạn, cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn.

Ngoài tai nạn đuối nước luôn đứng đầu danh sách, có thể kể đến các nguy cơ luôn rình rập như: rắn cắn, côn trùng đốt; uống nhầm các chai lọ có chứa thuốc diệt cỏ, trừ sâu; phỏng lửa, nước sôi; chó cắn, mèo cào; mắc dị vật đường thở; đặc biệt là điện giật thường xảy ra do sự hiếu động của các em.

Phương châm “phòng là chính”

Các chuyên gia phân tích rằng ngoài những tai nạn do tính hiếu động, tò mò của trẻ, có nhiều vụ còn do sự lơ là, bất cẩn của người lớn, đáng nói nhất là những ca chấn thương do té ngã, tai nạn giao thông.

Chẳng hạn như trường hợp tử vong mới đây của bé gái 9 tuổi tại Vĩnh Long. Chị N.T.T.L (32 tuổi) điều khiển xe máy chở 3 người (trong đó có 2 con) đang trên đường về nhà thì tông vào đống cát khiến cả 4 người trên xe văng xuống đường. Tai nạn khiến bé gái, con của chị, chết tại chỗ; bé trai nguy kịch. Điều đáng nói là cả 3 cháu đều không đội mũ bảo hiểm. Chỉ riêng tại BV Nhi Đồng 1, mỗi năm có đến hơn 2.000 ca chấn thương phải nhập viện, trong đó 60% bị gãy xương, đa số là gãy xương chi trên, xảy ra chủ yếu ở bé trai trong lứa tuổi từ 6-10. Nguyên nhân là do tai nạn sinh hoạt (hơn 80%) và tai nạn giao thông (hơn 10%).

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2014 có hơn 71.000 trẻ bị tai nạn thương tích và hơn 1.200 em tử vong. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu báo cáo từ các cơ sở y tế. Trong khi theo khảo sát từ cơ sở, bình quân mỗi ngày, Việt Nam có 9 trẻ bị đuối nước.

Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em khuyến cáo để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đuối nước ở trẻ trong mùa hè, cần lấy phương châm “phòng là chính”. Khi cho trẻ đi chơi ở những nơi có biển, sông, hồ, ao, kênh rạch, cha mẹ phải luôn theo dõi, để ý con cái. Nhà trường, cộng đồng, chính quyền địa phương cần quan tâm công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức nhiều lớp dạy bơi và vận động trẻ tham gia học bơi tại các trường học.

Cứ 4 phút, 1 trẻ tử vong

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 4 phút trôi qua, có 1 trẻ thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, con số tử vong vì tai nạn này lên tới gần 2.000 em mỗi năm. Tai nạn giao thông là 1 trong 4 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho tất cả trẻ từ 5 tuổi trở lên. Trong đó, tỉ lệ trẻ tử vong khi đi bộ một mình chiếm 36%; bị nạn khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe đạp, mô tô, xe máy chiếm 20%.

Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động