Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn nhiều chồng chéo
(Dân trí) - Mặc dù 3 Bộ NN&PTNT, Công thương và Y tế đều có trách nhiệm cụ thể trong quản lý an toàn thực phẩm nhưng thực tế, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn chưa chặt chẽ. Khi xảy ra sự cố thì vẫn còn tình trạng “đá bóng” trách nhiệm.
Đó là thông tin được thảo luận tại Hội thảo tham vấn quốc gia về các thách thức trong thể chế quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) do Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán Canada tổ chức sáng 19/3 tại Hà Nội.
Nhận thức vai trò của việc đảm bảo ATTP đối với sức khỏe của người tiêu dùng và xuất khẩu; những năm qua, ngành nông nghiệp luôn quan tâm và đưa công tác ATTP là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Năm 2015 là năm ATTP của ngành nông nghiệp, trong đó, để triển khai chương trình ATTP hiệu quả, công tác nghiên cứu hệ thống thể chế quản lý ATTP là vấn đề cấp thiết nhằm đổi mới toàn diện công tác ATTP.
Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp quản lý dựa trên nguy cơ; tiến hành điều tra, truy xuất nguồn gốc, triệu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo ATTP trong chuỗi cung ứng.
“Giám sát ATTP trên diện rộng cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm đang giảm dần”, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định.
Nhờ những cải thiện về ATTP mà đến nay sản phẩm nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 120 nước và lãnh thổ, đạt tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2014 là 30,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, hệ thống quản lý ATTP ở nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém như: Các văn bản dưới Luật của các Bộ chậm ban hành, chưa hoàn toàn đồng bộ và hài hòa; chưa gắn kết quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản với quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (thuốc BVTV, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi) và hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến thực phẩm.
Công tác tổ chức còn dàn trải cùng cấp, phân tán giữa các cấp; phối hợp trong thực tiễn còn hạn chế; giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành chưa bài bản, còn trùng lặp…
Cần một cơ quan quản lý ATTP tập trung
Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu quốc tế cũng nhận định rằng: Hệ thống quản lý ATTP ở Việt Nam còn nhiều khâu chồng chéo, trùng lắp và thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan của các Bộ liên quan.
“Về mặt lý thuyết, Việt Nam đã có một khuôn khổ pháp lý và thể chế quản lý ATTP rất tốt, nhưng trên thực tế thì không hoạt động, vẫn còn nhiều thiếu hụt và chồng chéo,” bà Lucia Frick, tư vấn viên của Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada (DFATD) nhận định.
Theo bà Lucia Frick, mặc dù chính phủ chịu trách nhiệm về quản lý ATTP ở Việt Nam, nhưng vai trò của chính phủ chỉ cung cấp môi trường thuận lợi. Trong khi đó, chính quyền địa phương có thể là đồng minh hữu ích của các công ty kinh doanh nông sản; họ cũng không có đủ nguồn lực được đạo tạo để thực thi trách nhiệm của mình.
Hơn nữa, Ban chỉ đạo quốc gia về ATTP chưa thực sự hỗ trợ việc tham vấn hoặc phối hợp với các bên tham gia trong quản lý ATTP và không phải chịu trách nhiệm khi có sự cố mất ATTP xảy ra.
“Việt Nam cần một cơ quan duy nhất, tách biệt để quản lý ATTP”, bà nói.
Đồng quan điểm này, ông Thierry Rocaboy, Phó Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản - Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (FAASC), cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả công tác thể chế về ATTP tại Việt Nam, cần chú ý đến giải pháp thành lập cơ quan quản lý ATTP tập trung dưới sự chỉ đạo của một Bộ duy nhất. Trong đó, cơ quan quản lý ATTP cần kết hợp các cơ cấu tổ chức cấp quốc gia và địa phương vào một cơ cấu mới; phối hợp hài hòa giữa cấp tỉnh và địa phương; hợp tác với các quốc gia láng giềng để giải quyết các vấn đề về ATTP tại cửa khẩu.
Trong khi đó, bà Shashi Sareen, chuyên gia cao cấp về ATTP & Dinh dưỡng, Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (FAO) cho rằng: Điều quan trọng là không bỏ qua những tiến bộ đã đạt được, xây dựng lên từ hệ thống hiện có nhằm cải thiện, điều phối, phát hiện và giải quyết bất cập. Quy trình thực hiện thể chế cần có sự tham gia của các bên liên quan là chìa khóa; đồng thời hướng đến trách nhiệm giải chuỗi từ trang trại đến bàn ăn.
Trao đổi với PV Dân trí về đề xuất của chuyên gia nước ngoài rằng Việt Nam cần thành lập một cơ quan quản lý ATTP tập trung dưới sự chỉ đạo của một bộ duy nhất, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng: Dù do một hay ba bộ quản lý thì điều quan trọng vẫn là sự phối kết hợp thực hiện giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý ATTP.
Nguyên An