Hãy giữ vững niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ung thư có thể đến với bất kỳ ai, hy vọng tất cả những ai đang phải sống chung với căn bệnh này có thêm ý chí, nghị lực và tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Một buổi chiều đầu tháng 11/2020, khi tôi đang đi truyền hóa chất đợt thứ 6 tại Khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thì có người của Ban tổ chức cuộc thi viết "Sống như những đóa hoa, vươn về phía mặt trời" giới thiệu và phát động cuộc thi. Mặc dù đang truyền hóa chất ở giường gấp nhưng tôi cũng vẫn cố gắng xin lại thông tin giới thiệu về cuộc thi. Thấy đây là một cuộc thi rất ý nghĩa dành cho những người bệnh ung thư nên tôi quyết định viết và chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng có thể lan tỏa, truyền thêm động lực cho những người đồng bệnh.

Sinh ra là con người sống trên thế giới này chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn có được những điều tốt đẹp, may mắn, thuận lợi đến với bản thân và gia đình mình. Tuy nhiên, trên thực tế cuộc sống thì những khó khăn, thử thách xảy đến với mỗi người một khác, có nhiều lúc chúng ta không thể lường trước được. Và điều quan trọng là khi những biến cố, đau khổ ấy xảy ra chúng ta đối mặt với nó như thế nào, than vãn, khóc lóc, buông xuôi hay đi tìm cách giải quyết là tùy ở mỗi chúng ta. Phải chăng điều khó nhất đối với mỗi người là giữ vững niềm tin, niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp đó và làm sao duy trì được thái độ sống lạc quan? Khi có niềm tin và lạc quan, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được mọi thử thách dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Được sinh ra trong một gia đình ở nông thôn, tôi là con út trong gia đình có 2 chị em gái. Giống như bao bạn bè đồng trang lứa, tôi được bố mẹ cho ăn học đầy đủ, từ nhỏ sức khỏe và học lực của tôi cũng tương đối tốt. Năm tôi đang học lớp 8 (năm 2008), tôi bị ngất ở trên lớp và được cô giáo cùng một số người bạn đưa xuống phòng y tế của trường. Sau đó tôi tỉnh lại ngay và điều quan trọng là mọi người trong gia đình tôi đều khỏe mạnh, nên bố mẹ chỉ nghĩ rằng do tôi mệt nên mới bị ngất như vậy. Chỉ 1 năm sau đó, những lần tôi bị ngất xuất hiện ngày càng nhiều và diễn ra rất bất ngờ, bố đưa tôi đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra và kết luận tôi bị "động kinh". Bác sĩ kê đơn thuốc cho tôi, hàng ngày tôi uống thuốc đầy đủ nhưng biểu hiện bệnh vẫn tái phát và diễn biến thất thường nên cả nhà rất lo lắng. Vì lúc đó quá nhỏ nên tôi không thể hiểu được bệnh động kinh là như thế nào, tôi chỉ biết vẫn phải uống thuốc đều đặn cho bệnh tình thuyên giảm để tiếp tục được đi học. Với tình trạng sức khỏe như vậy, đi xa nhà rất nguy hiểm nên tôi không thể đi học Đại học mà chỉ có thể học hết lớp 12.

Ấy vậy mà bệnh tật vẫn chưa dừng lại ở đó, cuối năm lớp 11 tôi bị đau bụng nặng đột ngột và phải xin nghỉ học để kiểm tra. Theo bảo hiểm, tôi được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Tại đây, sau khi làm một loạt các xét nghiệm các bác sĩ kết luận tôi có một khối u nhầy vùng hạ vị cần phải phẫu thuật ngay. Một năm sau phẫu thuật, cơn đau bụng lại tái phát và được gia đình đưa lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sau kiểm tra, bác sĩ kết luận tôi bị u nang buồng trứng phải tiếp tục phẫu thuật. Vì có tiền sử bệnh động kinh trước đó nên tôi phải làm rất nhiều các xét nghiệm trước khi phẫu thuật để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Ban đầu bác sĩ đưa ra phác đồ mổ nội soi nhưng khi lên bàn mổ, vì khối u quá to không thể nội soi được nên phải mổ mở, vết mổ kéo dài đến 20 cm. Trong suốt quá trình nằm viện, mẹ luôn là người chăm sóc và động viên lúc tôi đau đớn và mệt mỏi nhất.

Hãy giữ vững niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống - 1
Chị Hà khi đang điều trị (Ảnh tác giả cung cấp)

Sau ca phẫu thuật lần 2, bác sĩ khuyên gia đình yên tâm vì khối u của tôi là khối u lành tính. Nhưng đến đầu năm 2017, tôi lại được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các bác sĩ kiểm tra và theo dõi, tiêm thuốc để khối u của tôi không phát triển. Đến đầu năm 2019, các cơn đau bụng xuất hiện nhiều hơn, tôi chuyển về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội rồi sang Bệnh viện Việt Đức để điều trị. Chỉ trong thời gian ngắn tôi phải chuyển đến mấy bệnh viện khiến tôi vô cùng lo lắng. Tại Việt Đức, bác sĩ kết luận tôi bị u tiểu khung di căn phúc mạc và phải phẫu thuật thêm lần nữa. Lần này những tổn thương ở phần bụng của tôi nặng hơn, bụng đau và chướng lên khiến tôi không nằm nghiêng được, thậm chí trước khi phẫu thuật phải hút ra 5 chai dịch. Phẫu thuật xong, tôi bị sốt cao và ho rất nhiều nên phải vào phòng cấp cứu nên vết mổ bị nhiễm trùng. Vì mới phẫu thuật nên tôi không thể uống thuốc ho và thuốc hạ sốt được khiến tình trạng này kéo dài, cùng với đó vết mổ lâu liền nên tôi phải nằm viện cả tháng trời. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn mà tôi phải trải qua đến 3 lần phẫu thuật, kinh tế gia đình kiệt quệ. Sau đó, bác sĩ tiếp tục chuyển tôi đến Bệnh viện K, sau khi làm các thủ tục bác sĩ thông báo trường hợp của tôi không điều trị được. Nghĩ lại mới thấy lúc đó tôi thật bình tĩnh làm sao, sau khi trao đổi với bác sĩ đã từng điều trị cho tôi tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và tôi quyết định quay về đó để điều trị.

Đầu tháng 2/2020 bụng tôi lại tiếp tục xuất hiện khối u nhưng không thể phẫu thuật được ngay do tôi mới trải qua 3 cuộc phẫu thuật liên tiếp. Điều trị tại Khoa Nội II, bác sĩ còn nói trường hợp của tôi rất hiếm gặp, bệnh này gọi là Sacoma cơ trơn - ung thư phần mềm, tỷ lệ truyền hóa chất tình trạng này rất thấp chỉ chiếm 20% thành công. Tìm hiểu thêm thông tin về căn bệnh này mới thấy mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà tôi mắc phải. Tham khảo ý kiến của người thân, tôi quyết định truyền hóa chất. Tôi nghĩ nếu mình truyền hóa chất thì có 20% cơ hội sống, còn không truyền sẽ không có phần trăm nào.

Vậy là tôi tiếp nhận điều trị bắt đầu từ tháng 7/2020, đến nay đã truyền được 6 đợt hóa chất. Những ngày đầu điều trị, cơ thể tôi vẫn còn chịu được, tóc chưa bị rụng nên không ai nghĩ tôi là bệnh nhân. Nhưng rồi đến lần truyền hóa chất thứ 2, mái tóc dày và đen bóng của tôi đã không còn. Mỗi sáng thức dậy, lấy lược chải tóc thấy tóc đã rụng gần hết, dần dần chỉ còn mỗi da đầu trơ trụi, cảm thấy buồn vô cùng. Vì bạch cầu của tôi bị hạ nên tôi phải kích cầu liên tục, có hôm số lượng thuốc truyền nhiều phải truyền đến tận ngày hôm sau mới xong. Những tác dụng phụ của hóa chất quá khủng khiếp khiến tôi bị nôn rất nhiều, sốt thường xuyên và ho kéo dài. Tôi đau và rất mệt nhưng vẫn kiên trì cố gắng động viên chính mình và tự nhủ rằng không được khóc, nếu khóc là sẽ thua. Và chính suy nghĩ đó đã giúp tôi chiến thắng được bản thân.

Hãy giữ vững niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống - 2
Hình ảnh mới nhất của chị Hà (Ảnh tác giả cung cấp)

Đến đợt truyền hóa chất thứ 5 tôi đã khiến cả nhà hoảng sợ vì đang truyền hóa chất tôi bị lên cơn động kinh, không làm chủ được mình nên tôi đã dứt hết kim truyền khiến máu chảy ra nhiều, thậm chí còn đòi dứt kim truyền của bệnh nhân xung quanh. May mắn chỉ một lúc sau tôi trở lại trạng thái tỉnh táo như người bình thường. Sau lần đó, tôi luôn cố gắng làm thật nhiều điều có ích để hoàn thiện mình hơn, tôi muốn tạo niềm vui cho mọi người trong phòng bệnh, giúp họ có thể vui hơn và quên đi những đau đớn của bệnh tật. Bệnh tật đến với tôi khi tôi còn rất trẻ, bệnh viện như ngôi nhà thứ 2, các y bác sĩ như những người thân của tôi. Ở đây tôi đã gặp gỡ nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau, được nhiều người giúp đỡ, được tâm sự, chia sẻ hết nỗi lòng nên mỗi lần phải đến bệnh viện điều trị tôi không còn thấy sợ hãi và lo lắng nữa.

Sau 6 đợt truyền sức khỏe của tôi ổn định, ăn ngủ tốt và không bị sụt cân. Tôi rất mừng vì thấy rằng mọi sự cố gắng của mình trong suốt thời gian qua đã được đền đáp. Tôi thấy cuộc thi viết "Sống như những đóa hoa, vươn về phía mặt trời" rất hay và bổ ích vì đã giúp tôi và nhiều bệnh nhân khác có thể chia sẻ nỗi lòng của mình, đây cũng là nơi động viên, tiếp thêm ý chí để những người bệnh như chúng tôi có thêm tinh thần lạc quan tiếp tục trên hành trình chiến đấu với bệnh. Ung thư có thể đến với bất kỳ ai, hy vọng tất cả những ai đang phải sống chung với căn bệnh này có thêm ý chí, nghị lực và tinh thần lạc quan trong cuộc sống để sự hiện diện của mỗi chúng ta là niềm vui cho những người bệnh xung quanh. Chúc tất cả những người đồng bệnh sẽ có thêm nhiều động lực để chiến đấu chống lại căn bệnh này.

Bùi Thị Hà (Xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội)