“Hậu” vụ phòng khám Maria: khuyến khích người dân phát hiện sai phạm

(Dân trí) - Sau vụ tử vong tại phòng khám Maria, Sở Y tế đã tăng cường quản lý hoạt động của các phòng khám có yếu tố nước ngoài. Theo đó, các phòng khám đã kí cam kết nếu sai phạm sẽ bị đóng cửa chứ không dừng ở việc nộp tiền cho tồn tại.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2016/Vu-tu-vong-tai-phong-kham-Maria.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Vụ tử vong tại phòng khám Maria</b></a>

Ông Nguyễn Việt Cường (Chánh thanh Sở Y tế Hà Nội) trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh việc kiểm soát hoạt động của các phòng khám này trên địa bàn Hà Nội.
 
Thưa ông, đến nay còn bao nhiêu phòng khám

Thưa ông, đến nay còn bao nhiêu phòng khám có yếu tố nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội?

Phòng khám có yếu tố nước ngoài đăng kí hoạt động trên địa bàn gồm 35 cơ sở, tuy nhiên 21 cơ sở đã ngừng hoạt động, còn 14 cơ sở đang tiếp tục hoạt động: Trong đó có 3 cơ sở y học cổ truyền, 4 phòng khám đa khoa, 4  bệnh viện, 3 phòng khám chuyên khoa có yếu tố nước ngoài, bao gồm nhiều quốc tịch.
 
Riêng các cơ sở khám chữa bệnh có bác sĩ Trung Quốc tham gia khám, chữa bệnh thì có 3 phòng y học cổ truyền, hai phòng khám đa khoa và hai bệnh viện.

Thời gian vừa qua có thông tin rằng vẫn tồn tại những phòng khám không đăng kí bác sĩ người nước ngoài, Sở có nắm được thông tin này không và có triển khai việc thanh kiểm tra?

Mới đây, khi có thông tin phản ánh bệnh nhân vẫn đặt lịch khám bác sĩ nước ngoài khi có yêu cầu tại phòng khám Thiên Hòa, chúng tôi đã ngay lập tức kiểm tra nhưng không phát hiện bác sĩ người nước ngoài làm việc tại phòng khám này.

Hay như tại phòng khám 59 Khương Trung, sau sai phạm liên quan đến sử dụng bác sĩ Trung Quốc chưa được cấp phép hành nghề sau sau một thời gian ngừng hoạt động nay đã được hoạt động trở lại nhưng chỉ có bác sĩ người Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện bác sĩ người nước ngoài nên không có sai phạm phải xử lý. Nhưng nếu người dân cung cấp được các tài liệu liên quan đến bác người nước ngoài khám tại các phòng khám này, cơ quan chức năng có xử lý không, thưa ông?

Nếu người dân cung cấp thông tin, giấy tờ chứng minh có bác sĩ khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám, chắc chắn chúng tôi sẽ xử lý. Và chúng tôi khuyến khích người dân phát hiện sai phạm tại các phòng khám và báo với cơ quan chức năng. Khi có đầy đủ giấy tờ, chứng cứ chứng minh thì chắc chắn sẽ phải xử lý dù ở thời điểm kiểm tra không phát hiện có bác sĩ nước ngoài khám mà chưa được phép.

Cụ thể người dân có thể báo với ai, cơ quan nào, thưa ông?

Người dân có thể thông báo qua đường dây nóng của Sở Y tế: 04.33985765 hoặc trực tiếp với Thanh tra Sở Y tế: 04.37330186.

Việc xử phạt sai phạm tại các phòng khám sẽ được thực hiện như thế nào? Liệu có còn dừng lại ở mức phạt tiền rồi tiếp tục cho tồn tại, thưa ông?

Không riêng phòng khám có yếu tố nước ngoài mà các phòng khám tư nhân nói chung, về mặt hành chính, phát hiện sai đâu thì xử lý đúng theo quy định của pháp luật (nghị định 96/2011/NĐ - CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính về khám, chữa bệnh).

Ngoài hình thức phạt chính là phạt tiền còn có hình thức phạt bổ sung là tước chứng chỉ, tước giấy phép khám chữa bệnh có thời hạn hoặc không có thời hạn, những hành vi nào bị mức phạt này quy định rất rõ, chứ không thể muốn tước là tước được mà vi phạm mức nào xử lý mức đó.

Để tăng cường quản lý, tránh tình trạng cứ sai phạm, nộp tiền rồi tiếp tục hoạt động, ngày 20/7/2012, các cơ sở khám, chữa bệnh đã ký cam kết với Sở Y tế Hà Nội. Với hình thức này, doanh nghiệp, phòng khám phải có trách nhiệm hơn với hoạt động của mình. Vì chính họ đã kí cam kết thực hiện, khi vi phạm, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định thì căn cứ vào chính cam kết của doanh nghiệp, phòng khám chúng tôi sẽ xem xét đến việc thu hồi giấy phép chữa bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hải (thực hiện)