Hành trình kỳ diệu khôi phục một nửa khuôn mặt cho bệnh nhân ung thư

(Dân trí) - Denise Vicentin, một phụ nữ 53 tuổi bị mất mắt phải và một phần hàm vì ung thư, đã òa khóc khi lần đầu tiên nhìn thấy khuôn mặt mới được tái tạo của mình trong gương.

Cơ quan nhân tạo in 3D: Rẻ, nhanh và bền bỉ

Denise Vicentin là một người phụ nữ Brazil 53 tuổi bị mất mắt phải và một phần hàm do bệnh ung thư. Tuy nhiên, nhờ vào một công nghệ chế tạo cơ quan giả bằng kỹ thuật số, bệnh nhân này đã gần như lấy lại được phần cơ thể mà mình đã đánh mất.

"Tôi không có một lời nào để diễn tả việc tôi cảm thấy mọi chuyện tuyệt vời hơn thế nào, khi bước ra đường với khuôn mặt mới", người phụ nữ 53 tuổi chia sẻ cảm xúc của mình.

Hành trình kỳ diệu khôi phục một nửa khuôn mặt cho bệnh nhân ung thư  - 1

Được biết, các nhà nghiên cứu tại Đại học Paulista đã kết hợp điện thoại thông minh và công nghệ in 3D để tạo ra phần khuôn mặt bị thiếu của Denise Vicentin. Đây được đánh giá là một giải pháp tiên phong trong việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất các cơ quan nhân tạo, so với cách làm truyền thống.

Rodrigo Salazar, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: "Trước đây, công việc này phải mất nhiều thời gian hơn, với hàng giờ điêu khắc bằng tay và việc lắp phần mặt nhân tạo cũng gây xâm lấn nhiều hơn đến cơ thể của bệnh nhân"

"Hôm nay với hình ảnh trên điện thoại di động, chúng tôi đã có thể tạo ra một mô hình ba chiều."

Được biết, cô Vicentin là một trong hơn 50 trường hợp, được “làm đẹp” bởi công nghệ mới của Salazar và các đồng nghiệp, kể từ năm 2015. Công nghệ này cũng đã được công bố vào năm 2016 trên Tạp chí “Otolaryngology - Head & Neck Surgery”.

Hành trình tìm lại khuôn mặt đã mất

30 năm trước, mặt của Denise Vicentin xuất hiện một khối u. Dù đã được cắt bỏ đến 2 lần, nhưng nó đã trở lại ở thể ác tính sau 2 thập kỷ.

Dưới tác động của khối u, cô bị mất một phần bên phải khuôn mặt của mình. "Khi ở trên tàu điện ngầm hoặc tàu hỏa, mọi người luôn nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của tôi", cô Vicentin nhớ lại. Với việc mất đi một phần khuôn mặt, cô Vicentin gặp khó khăn trong việc ăn uống và phát âm. Jessica, con gái của cô, thường xuyên phải đóng vai trò là thông dịch viên cho mẹ.

Điều kỳ diệu chỉ bắt đầu khi người phụ nữ này gặp được nhóm của Salazar. Theo đó, quá trình khôi phục khuôn mặt của Denise Vicentin bắt đầu vào năm 2018. Bước đầu tiên, nhóm chuyên gia này đã cấy một thanh titan vào hốc mắt của cô Vicentin, để làm chỗ níu giữ cơ quan nhân tạo. Sang năm tiếp theo, bệnh nhân này tiếp tục trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để xây dựng lại các mô mặt.

Hành trình kỳ diệu khôi phục một nửa khuôn mặt cho bệnh nhân ung thư  - 2
Hành trình kỳ diệu khôi phục một nửa khuôn mặt cho bệnh nhân ung thư  - 3

Sử dụng điện thoại thông minh, Salazar đã chụp 15 bức ảnh khuôn mặt của cô Vicentin từ các góc độ khác nhau, từ đó tạo ra một mô hình kỹ thuật số ba chiều; với mô hình này, các chuyên gia tạo ra một hình ảnh bản sao của một nửa khuôn mặt hoàn chỉnh; tiếp đó, các kỹ thuật viên đã tạo ra phần khuôn mặt giả bằng công nghệ in 3D, với nguyên liệu là silicone, nhựa resin và sợi tổng hợp.

Hành trình kỳ diệu khôi phục một nửa khuôn mặt cho bệnh nhân ung thư  - 4

Đặc biệt, để làm cho phiên bản nhân tạo này giống như thật nhất có thể, Salazar và các đồng nghiệp của ông đã rất chau chuốt trong việc bắt chước màu da và màu mắt lục-lam rất đặc trưng của cô Vicentin.

Quá trình lắp khuôn mặt nhân tạo này vào bệnh nhân vừa được hoàn thiện vào tháng 12/2019 và nó đã kết hợp ăn khớp với khuôn mặt thật để tạo thành một chỉnh thể gần như hoàn hảo.

Hành trình “kỳ diệu” khôi phục một nửa khuôn mặt cho bệnh nhân ung thư bằng công nghệ mới

Minh Nhật

Theo Medical Express