Hành trình cay đắng biến nữ thành nam
Vật vã đấu tranh tìm lại giới tính, Phúc, “nữ sinh” Sư phạm, đã trải qua nhiều lần phẫu thuật để trở lại với hình hài đúng với mong muốn của mình.
Trong hành trình chuyển giới thành công, Phúc đã được tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, trực tiếp phẫu thuật. Quan trọng hơn, để có sự thành công đó, Phúc phải có sự quyết tâm, nghị lực và một khát vọng vô bờ bến để trở lại chính con người thực của mình.
Gặp người “thực hiện giấc mơ”
Hành trình đau khổ, vật vã của Phúc chống chọi “thiên tạo” để tìm lại chính mình được hàng triệu bạn đọc quan tâm, theo dõi. Với họ, tình cảm dành cho Phúc là sự cảm thông, khâm phục và mong muốn ước mơ của Phúc thành hiện thực. Quá trình đấu tranh 20 năm ròng rã ấy, tự bản thân Phúc đã phải đương đầu với rất nhiều rào cản: dư luận xã hội, rào cản của chính những người thân trong gia đình, bà con lối phố, những người bạn bè cùng trang lứa… Hơn tất cả, đó chính là sự vượt qua chính bản thân mình.
Buổi chiều một ngày cận Tết Quý Tỵ, trong căn phòng làm việc của mình, tiến sĩ Trần Thiết Sơn trải lòng với tôi về “cô” bệnh nhân mà chính ông cũng êkip của mình trực tiếp phẫu thuật, đó là nghị lực phi thường, sự quyết tâm, khát vọng để vượt qua những lần phẫu thuật “cắt bỏ một phần giới tính”. Với sự dày dặn về chuyên môn, tiến sĩ Trần Thiết Sơn nhận định, bệnh nhân Phúc là một trường hợp khá đặc biệt. Những bệnh nhân đến với khoa phần lớn đã ở tuổi trưởng thành, người có độ tuổi cao nhất là 36 - bệnh nhân Phúc.
Với những bệnh nhân mắc khiếm khuyết về giới tính, sinh lý trong độ tuổi nói trên, khi có sự can thiệp của dao kéo, độ rủi ro và khó khăn hơn cao rất nhiều so với những trường hợp được phát hiện ngay từ đầu. “Với những bệnh nhân ngay từ lúc sơ sinh phát hiện kịp thời, việc phẫu thuật tạo hình dễ dàng hơn, vì nó liên quan tới sự phát triển sau này”, ông Sơn nói.
Gần bốn năm trước, Phúc tìm đến khoa Phẫu thuật tạo hình. Thời điểm đó, Phúc đã bắt đầu đi làm, và bước sang tuổi 32. Oái ăm thay, khi ấy, tâm sinh lý của một người đàn ông lại ẩn mình trong hình hài một cô gái: có ngực, dù không to, chỉ nhu nhú như một bé gái trong độ tuổi 15, bộ phận sinh dục không rõ ràng, vẫn có buồng trứng, giọng nói đàn ông, khuôn mặt góc cạnh, tóc tém, chân tay khuềnh khoàng…
Quan trọng nhất là trong tâm lý của Phúc bao giờ cũng có tư tưởng đối nghịch: sự đấu tranh chống chọi lại chính hình hài mà mình đang sở hữu với bản chất thực của con người bên trong…
“Lần đầu tiên, chúng tôi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần ngực của Phúc. Đó là việc không khó khăn. Những lần tiếp theo, cắt bỏ buồng trứng, tái tạo bộ phận dương vật, theo dõi những biến chuyển đối với một con người mới. Không được vội vàng, tiến hành tuần tự từng bước, và cực kỳ thận trọng”, tiến sĩ Sơn tâm sự.
Theo ông Sơn, căn bệnh mà Phúc phải hứng chịu cũng giống như rất nhiều người kém may mắn khác, y học gọi tên là “nam lưỡng giới giả nữ”, do một số lêch lạc trong quá trình phát triển, cơ quan sinh dục nam không phát triển. Thay vào đó là toàn bộ cơ quan sinh dục phụ của nữ phát triển, chính vì vậy mà bề ngoài họ giống như một người phụ nữ thực sự…
Phẫu thuật cắt bỏ “cặp nhũ hoa nửa vời” xong, Phúc đến một bệnh viện ở Đài Loan phẫu thuật phần bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật ở Đài Loan, mong muốn của Phúc không toàn vẹn. Cậu lại tiếp tục trở lại viện Xanh Pôn để tiến sĩ Trần Thiết Sơn “trả lại con người” cho mình…
Ông Trần Thiết Sơn bảo: "Quan trọng nhất đối với người bệnh là khát vọng, sự quyết tâm. Không ai chán nản, thiếu nghị lực… trong hành trình tìm lại chính mình. Khi họ đã vượt qua chính họ, thì xã hội sẽ có cái nhìn cảm thông, hòa đồng, bởi một lẽ, đó là một căn bệnh, ai sinh ra cũng muốn được hoàn hảo, nhưng tạo hóa không cho họ niềm hạnh phúc giản đơn đó, thì họ phải tự mình đi tìm cho chính mình”.
Những cặp đôi hạnh phúc sau chuyển giới
Hành trình đi tìm lại chính mình của Phúc là 20 năm dài đằng đẵng đấu tranh với chính bản thân, gia đình… để phẫu thuâ%3ḅt trở lại hình hài nam giới có lẽ sẽ là một câu chuyện rất dài. Tuy nhiên, câu hỏi mà ai cũng muốn có lời giải đáp, đấy là sau khi trở lại đúng giới tính, những trường hợp như Phúc có thể lập gia đình hay không, nhu cầu sinh lý, tình cảm … của anh có được đáp ứng như một người bình thường?
Trước khi phẫu thuật lần thứ 3 (tạo hình dương vật), Phúc đang làm việc bên Đài Loan. Cậu đã có người yêu, một người hiểu bệnh lý của Phúc và quan trọng hơn hết, cô bạn gái ấy cảm thông và yêu Phúc thật lòng.
Mẹ của Phúc, sau khi đón con mình về nhà (cũng là lúc bản thân bà và gia đình đã lấy lại được trạng thái cân bằng sinh lý, không còn bị sốc hay mặc cảm đối với quyết định chuyển giới của Phúc nữa), đã rất hạnh phúc nói với chúng tôi: “Tôi sinh ra hai người con, một trai một gái (trên Phúc là anh trai). Bây giờ, tôi có hai người con trai”.
Sinh ra trong một gia đình nề nếp, bố mẹ là giáo viên, anh em Phúc từ nhỏ đã được sống trong mộtt môi trường gia đình có giáo dục. Bản thân Phúc không ăn chơi đua đòi, không lệch lạc về suy nghĩ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, khoa tiếng Trung, Phúc sang Đài Loan làm phiên dịch, điều đó cũng cho thấy sự chín chắn, tự lập và rất nghiêm túc, có trách nhiệm với bản thân của anh.
Vẫn câu chuyện của tiến sĩ Trần Thiết Sơn: khoa Phẫu thuật tạo hình đã làm một dương vật giả cho Phúc và cấy ghép thành công. Dương vật của anh được nuôi sống bằng một mạch máu lấy từ đùi và bẹn của bệnh nhân. Dương vật có cảm giác ngay sau khi tạo hình. Một thời gian nữa, công đoạn cấy ghép tinh hoàn mới cho Phúc sẽ được tiến hành.
“Tiêu chí đối với dương vật nhân tạo là hình dáng thẩm mỹ mang lại cảm giác, hưng phấn và thực hiện được chức năng tiểu tiện. Các bác sĩ cũng sẽ cấy thể hang để cho 'cậu nhỏ' này cương cứng. Tuy nhiên, nó chỉ mặc định một kích thước, chứ không co giãn như bình thường”, ông Sơn cho biết. Trước ca phẫu thuật xử lý bệnh của Phúc, khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn đã xử lý 5 trường hợp mắc hội chứng không rõ ràng về giới tính. Cả 5 trường hợp này đều chuyển về giới nữ, Phúc là trường hợp đầu tiên chuyển về giới nam.
“Những bệnh nhân này đều là người trưởng thành, tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi. Một 'cô' sau khi chuyển về giới nữ đã kết hôn. Bây giờ, cả hai vợ chồng cô này đã đi xuất khẩu lao động”, tiến sĩ Sơn cho biết.
“Trong quan hệ tình dục, những người chuyển giới vẫn có được hưng phấn, cảm giác thực thụ như bình thường, họ đều ận được khoái cảm. Song, họ không thể sinh sản để duy trì nói giống. Như trường hợp của Phúc, nếu muốn có con, họ sẽ phải cấy tinh trùng của một người đàn ông khác, vì cơ thể Phúc vẫn có buồng trứng, không có tinh hoàn. Đối với những trường hợp giới tính không rõ ràng chuyển về nữ, thì chuyện 'giữ giống' dễ dàng hơn, vì có thể lấy tinh trùng của người chồng để nhờ người khác mang bầu hộ, hoặc thụ tinh ống nghiệm.
“Điều quan trọng nhất, đó là sự cảm thông của xã hội. Nó cũng là một dạng bệnh lý và y học có thể điều trị. Ở Việt Nam, những bệnh nhân mắc hội chứng này không ít. Tuy nhiên, chỉ bản thân họ và những người sinh thành ra họ biết điều đó. Họ tự cam chịu một mình, không dám chia sẻ với ai và cũng không biết điều trị ở đâu. Đó là những thiệt thòi rất lớn”, tiến sĩ Trần Thiết Sơn chia sẻ thêm.
Theo Kiến thức/Gia đình - Cuộc sống