1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Dịch sốt phát ban chưa dứt

(Dân trí) - Theo thông tin từ bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, tính đến thời điểm này ,số người mắc dịch sốt phát ban vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 30 - 40 ca vào khám, trong đó có 5-7 ca phải nhập viện.

Từ 17/1 đến hết 28/2, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ tiếp nhận 848 ca đến khám, trong đó số bệnh nhân phải nhập viện là 91 ca. Đáng lưu ý, số bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai chiếm hơn 1/3 trong các ca nhập viện, số còn lại phần lớn là thanh niên ở độ tuổi 20-30 tuồi.

Hà Nội: Dịch sốt phát ban chưa dứt - 1

Dịch sốt phát ban vẫn diễn tiến tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc (ảnh: T.H)

Biến chứng do chủ quan

Chị N.T.M (30 tuổi, ở Nam Định) là ca mới nhất sốt phát ban vừa nhập viện ngày 27/2. Do nhập viện muộn nên tình trạng bệnh của chị M. tương đối nặng. Hiện tại, chị M. vẫn bị hôn mê, phải thở máy, chưa qua được giai đoạn nguy kịch. Đây là một trong hai trường hợp sốt phát ban do viêm màng não còn đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
 
Người nhà bệnh nhân cho biết: “Ban đầu chị M. chỉ nghĩ bị sởi, hoặc dị ứng thời tiết nên đi mua thuốc về uống. Sau đó vài ngày thấy tình trạng nặng hơn, đau đầu, sốt cao, nôn, người như hết hơi,… thì gia đình đưa lên viện huyện. Ở đó được 2 ngày thì các bác sĩ giởi thiệu chuyển lên viện này”.

Không giống chị M., trường hợp của N.V.T (21 tuổi, Hà Nội) lại khác. Bị sốt phát ban 2 ngày nhưng chỉ nhập viện khi T. lên cơn hoảng loạn (đập phá, la hét, sốt cao…). “Tuy là muộn nhưng cũng vẫn là may. Tình trạng của cháu đến giờ đã ổn. Ở đây có một số ca nặng chuyển sang viêm màng não do nhập viện muộn. Lúc đầu, tôi tưởng cháu lên sởi nên chủ quan”, mẹ T. cho biết.

Trao đổi với Dân Trí, ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng cho biết, số bệnh nhân nhập viện điều trị dịch sốt phát ban đợt này chủ yếu là Hà Nội (80/91 ca). Trong đó, có 3 ca biến chứng viêm não nặng. Dịch không bùng phát nhưng vẫn diễn tiến ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Một số bệnh nhân do nhầm lẫn với bệnh sởi nên chủ quan

Nâng cao cảnh giác phòng dịch bệnh

Cũng theo, ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm, để phân biệt giữa bệnh sởi và sốt phát ban, cần nắm vững các triệu chứng của bệnh. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm vi rút cấp tính với sự lây truyền cao. Sau khi vi rút xâm nhập vào cơ thể, biểu hiện khởi đầu là sốt, viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho và có nốt ở niêm mạc miệng.

Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban bắt đầu mọc ở mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 - 7 ngày tiếp theo sẽ lặn dần rồi hết

Với bệnh rubella, bệnh nhân có những đặc điểm tương tự sởi thường, ngoài ra các nốt ban mọc toàn thân, không ngứa. Với thai phụ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thì khả năng để lại di chứng rất nặng (khoảng 60%, dị tật tim bẩm sinh, chậm phát triển trí não, điếc, đục thủy tinh thể, tật mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh, tật đầu nhỏ, viêm não, màng não, chậm phát triển tâm thần, gan to, lách to,...).

Còn với sốt phát ban thông thường do vi rút thì quá trình mọc ban đỏ không theo trình tự nào, có thể sau sốt 1, 2 ngày đã phát ban khắp cơ thể. Sốt phát ban do sởi lây lan mạnh do vi rút có thể lây bệnh ngay từ khi chưa xuất hiện các nốt phát ban, vì vậy rất khó để nhận biết sớm được bệnh và phòng tránh. Khi bị sốt phát ban ở thể nhẹ chỉ cần nghỉ ngơi theo dõi, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, điều trị bằng hạ sốt hoặc bổ sung nước... Nếu bệnh không nặng lên thì không cần nhập viện, sau vài ngày bệnh sẽ tự khỏi.

Cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, sốt quá cao, li bì, ảnh hưởng đến mạch huyết áp, xuất hiện các biểu hiện rối loạn về tri giác (la hét, vật vã…).

Thu Hà