1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Dân hoang mang vì hàm lượng amoni cao trong nước

(Dân trí) - Thông tin nước nhiều vùng ở Hà Nội nhiễm amoni vượt tiêu chuẩn cho phép khiến người dân hoang mang. Ăn phải loại nước này có gây độc hại? Làm sao nhận biết nước nhiễm amoni cao? Có thể loại chất này ra khỏi nguồm nước... là băn khoăn của rất nhiều người.

Theo kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất vừa được Trung tâm Quan trắc & Dự báo Tài nguyên Nước (Bộ TN&MT) công bố mới đây, mực nước ngầm ở một số vùng đã hạ thấp rất sâu có hàm lượng asen, amoni cao hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Trong đó, riêng tại Bắc Bộ, 28/30 mẫu có hàm lượng amôni (NH4+) cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Tại tầng chứa nước qh2 (tầng nước nông phía trên): có 10/10 mẫu đều có hàm lượng amoni cao hơn TCCP (>0,1mg/l tính theo N). Hàm lượng amoni đặc biệt lớn đến 14,62mg/l ở Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội.

Tại tầng chứa nước qp1 (tầng nước khai thác chính): Có 20/40 mẫu có hàm lượng mangan (Mn) vượt TCCP, 6/40 mẫu có hàm lượng asen (As) vượt TCCP; 28/30 mẫu có hàm lượng amoni (NH4+) cao hơn TCCP (>0,1mg/l tính theo N).

Có độc hại?

Gọi điện đến đường dây nóng báo Dân trí, chị Nguyễn Thị Vi (Đan Phượng, Hà Nội) bày tỏ lo lắng bởi nhà chị vẫn đang dùng nước ngầm khai thác trực tiếp, chưa sử dụng nước máy. “Dù gia đình tôi có bể lọc, bể chứa rồi nhưng hàm lượng amoni ở đây cao vậy, liệu có gây độc không? Từ hôm nghe thông tin nước nhiễm amoni hàm lượng cao, tôi phải dùng nước lọc tinh khiết đóng chai nấu cháo, cơm cho trẻ, còn gia đình thì vẫn phải dùng nguồn nước này”, chị Vi nói.
 

Hà Nội: Dân hoang mang vì hàm lượng amoni cao trong nước

Trả lời câu hỏi ăn phải nguồn nước nhiễm amoni cao vượt tiêu chuẩn cho phép có gây hại với sức khỏe con người? PGS.TS Nguyễn Trần Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội trấn an: “Chúng ta đã sống chung với nước chứa amoni hàng trăm năm nay. Nghe thấy thông tin chất gì vượt chuẩn thì đều gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho người dân, cả amoni cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, bản chất amoni không có độc, nhưng nó là tiền chất độc”, PGS Côn nói.

Vì sao một chất không có hại lại bị khống chế hàm lượng cụ thể trong nước uống? Theo PGS Côn, trong cơ thể người, nguồn amoni rất cao. Hàng ngày, cơ thể thải ra lượng amoni rất cao qua đường nước tiểu, khoảng 3g. Nhưng trong nước uống, người ta lại phải không chế hàm lượng này ở mức thấp, bởi khi sử dụng nước với nồng độ amoni cao, người ta sợ trong một điều kiện nào đó, với một xác xuất rất nhỏ, nó lại chuyển thành nitrit là một chất có thể gây độc, gây bệnh ung thư”, PGS Côn nói.

Tuy nhiên, sản phẩm trung gian nitrit không phải lúc nào cũng được hình thành. Đến nay, trong điều kiện nào đó, cụ thể như thế nào thì xảy ra sự chuyển hóa này chưa ai chỉ rõ ra được, vì thế, người ta vẫn khuyến cáo phải khống chế hàm lượng amoni trong nước uống.

Bên cạn đó, PGS Côn khẳng định, dù ngưỡng cho phép của WHO là 3mg amoni/1 nhưng chưa có bất cứ một nghiên cứu nào khẳng định trên ngưỡng bao nhiêu là gây hại. Bản thân tiêu chuẩn cũng không phải mang tính cảnh báo (đâu là giới hạn an toàn, đâu là giới hạn có thể gây nguy hiểm để dân đề phòng).

Có thể xử lý hàm lượng amoni trong nước

PGS Côn cho biết, thông thường, amoni trong nước máy qua quá trình xử lý rồi hàm lượng không cao. Nhưng trong nước ngầm chưa xử lý ở một số vùng hàm lượng này cao.

“Nhưng thực tế, khi khai thác nước ngầm không ai ăn, uống trực tiếp nguồn nước ngầm này mà luôn qua xử lý và qua quá trình này hàm lượng amoni cũng giảm đi”, PGS Côn nói.

“Với những nơi chưa có nguồn nước máy phải sử dụng nước ngầm, mọi người khi bơm nước lên nên làm giàn mưa, chứa nước vào trong bể rồi lọc qua cát, sỏi san hô trương bể chứa. Đây không phải là công nghệ xử lý amoni nhưng nó làm giảm hàm lượng amoni trong nước. Trước khi dùng nước ăn, nấu có thể dùng phương pháp thổi khí, sục khí cho nước. Mục đích là cấp ôxy cho nước, oxy hóa amoni thành nitrit, chuyển thành nito bay vào khong khí, hàm lượng này trong nước sẽ giảm xuống thấp”, PGS Côn khuyến cáo.

 

Tiêu chuẩn về Amoni trong nước được xây dựng không phải vì tác hại của nó đến sức khỏe nên không có hướng dẫn dựa trên cơ sở sức khỏe. Tuy vậy, Amoni làm hại cho quá trình khử trùng nước, nó tạo ra nitrit trong hệ thống phân phối, làm hại quá trình tách loại mangan và gây mùi vị lạ. Amoni được xếp vào nhóm các chỉ tiêu cảm quan (được đánh dấu bằng chữ “a” trong bảng tiêu chuẩn theo quyết định 1329/2002/BYT-QĐ của Bộ Y tế). Khi amoni trong nước ăn uống vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì chưa ảnh hưởng lắm tới sức khỏe nhưng đó là dấu hiệu cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải có nguồn gốc động vật và có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh.

Hồng Hải