Giải mã cách tế bào ung thư tuyến tiền liệt "tái sinh" sau khi điều trị
(Dân trí) - Những tế bào ung thư còn sống sót sau điều trị sẽ phát triển trở lại, kèm theo khả năng kháng thuốc và có thể di căn mạnh mẽ hơn ban đầu.
Đối với các bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn muộn, một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất chính là cắt đứt nguồn cung cấp androgen. Androgen là các hormone đóng vai trò làm nhiên liệu cho các tế bào tuyến tiền liệt phát triển. Do đó, việc loại bỏ chúng bằng cách sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật có thể khiến tuyến tiền liệt teo nhỏ lại còn 10% so với ban đầu.
Tuy nhiên, đây cũng không phải là một phương pháp toàn diện, bởi những tế bào còn sót lại cũng sẽ có thể khởi phát khối u, và khi điều này xảy ra, ung thư sẽ có khả năng kháng lại phương pháp điều trị bằng hormone, đồng thời chúng cũng sẽ di căn mạnh mẽ hơn.
Một nghiên cứu mới của các chuyên gia đến từ Trung tâm Ung bướu Memorial Sloan Kettering (Mỹ) đã giúp chúng ta có thể hiểu hơn về cơ chế phục hồi của các tế bào tuyến tiền liệt sau điều trị này.
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả đã dựa vào một kỹ thuật giải trình tự mạnh mẽ có tên “Giải trình tự ARN đơn tế bào” (scRNA seq). scRNA seq cho phép các chuyên gia có thể xác định xem gen nào đã hoạt động trên nhiều tế bào trong 1 mô.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện scRNA seq trên gần 14.000 tế bào tuyến tiền liệt của chuột. Từ những dữ liệu thu được, chúng tôi đã có thể xây dựng bản đồ các loại tế bào được tìm thấy trong tuyến tiền liệt của chuột khỏe mạnh”.
Được biết, từ bản đồ tế bào này, nhóm tác giả có thể xác định xem loại tế bào nào vẫn còn sống sót, sau khi chuột được điều trị bằng liệu pháp androgen, cũng như tế bào nào sẽ có khả năng phát triển trở lại, khi lượng androgen cung cấp cho tuyến tiền liệt được hồi phục.
Kết quả thu được cho thấy, gần như tất cả các tế bào biểu mô (Tế bào có chức năng tiết dịch lỏng của tuyến tiền liệt) đều phân chia để phát triển trở lại, thay như phỏng đoán ban đầu là chỉ một vài nhóm nhỏ. Bên cạnh đó, khi cắt đứt nguồn cung cấp androgen, biểu hiện gen của tế bào biểu mô không còn bị kiểm soát. Do đó, chúng có thể tự do kích hoạt các gen cần thiết cho việc nhân đôi.
Cùng với thí nghiệm trên chuột, nhóm tác giả còn tiến hành scRNA seq trên mẫu mô tuyến tiền liệt, của một bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đã được điều trị. Kết quả phân tích cho thấy hiện tượng xảy ra với tế bào biểu mô tuyến tiền liệt ở người cũng có sự tương đồng với chuột.
Trong một nghiên cứu trước đây, các tế bào ung thư tuyến tiền liệt cho thấy khả năng có thể thay đổi đặc tính. Cụ thể, chúng có thể tái lập trình để trở thành 1 loại tế bào không cần đến androgen để tồn tại. Đặc tính này là lời giải cho khả năng ung thư có thể kháng lại phương pháp điều trị hormone.
Quay trở lại với nghiên cứu hiện tại, từ kết quả thu được, nhóm tác giả nhận định rằng: “Phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp androgen có thể là con dao 2 lưỡi, bởi nó khiến rất nhiều tế bào bị chết nhưng loại tế bào sở hữu khả năng tái tạo như tế bào gốc lại sống sót. Điều này cũng giống như chúng ta chỉ đơn giản là đẩy khối u trở về dạng ban đầu trong quá trình điều trị, thay vì tiêu diệt chúng hoàn toàn”.
Minh Nhật
Theo MedicalXpress