1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

“Giặc muỗi” trái mùa tấn công người dân

(Dân trí) - Với từng đàn lớn, tấn công người bất kể ngày đêm, “giặc muỗi” đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân xuất phát từ môi trường bị ô nhiễm, ao tù nước đọng.

Chưa đến mùa mưa nhưng một số quận huyện của thành phố muỗi đã hoành hành. Khu vực quận 7 đang trở thành điểm nóng của vấn nạn muỗi, hơn một tháng qua người dân tại đây ăn không ngon, ngủ không yên với muỗi.

Bà Nguyễn Thị Sương, ngụ tại phường Tân Quy cho biết: “Đã hơn 10 năm gia đình tôi về đây sinh sống nhưng chưa năm nào tôi thấy muỗi nhiều như năm nay. Chúng bay thành từng đàn vào nhà hút máu người bất kể ngày đêm. Trước tết Trung tâm Y tế Dự phòng có phun thuốc nhưng chỉ được ít ngày muỗi lại xuất hiện nhiều hơn, gia đình tôi có hôm ăn cơm tối cũng phải ngồi trong mùng”.

Muỗi trái mua xuất hiện đe dọa sức khỏe của người dân
Muỗi trái mua xuất hiện đe dọa sức khỏe của người dân

“Để xua đuổi muỗi, chúng tôi đã dùng đủ các biện pháp, từ dùng vợt đến bình xịt rồi đốt nhang muỗi nhưng chẳng mấy hiệu quả. Gia đình tôi đêm nào cũng ngủ mùng nhưng có hôm chồng tôi sơ ý để tay sát mùng, sáng hôm sau đã thấy chi chít cả trăm vết đốt. Xót nhất là đám trẻ trong xóm, đứa nào cũng có vết muỗi đốt. Tôi sợ con phát bệnh vì muỗi nên đã gửi bé nhờ bà ngoại sống bên quận 3 chăm sóc giúp chờ đến khi muỗi giảm hẳn mới đón bé về”, chị Lệ Thị Thu Thảo ngụ tại phường Tân Kiểng, Quận 7 cho biết.

Theo nhận định của người dân địa phương, muỗi bùng phát dữ dội trên địa bàn quận 7 trong thời gian gần đây là do trong quá trình mở rộng đường Nguyễn Thị Thập, đơn vị thi công ngăn dòng chảy của nhiều con kênh để hạ đường cống thoát nước. Tuy nhiên, do thời gian thi công kéo dài nên việc ngăn kênh đã tạo thành những vùng nước tù kết hợp với nước thải, rác thải sinh hoạt từ các hộ dân ven kênh khiến môi trường bị ô nhiễm tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi.

Những dòng kênh chết đang tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi
Những dòng kênh chết đang tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên địa bàn quận Bình Thạnh dọc tuyến Rạch Lăng thuộc phường 13. Nguyên nhân là do từ cuối năm 2013 nước đen ngòm trên tuyến rạch Lăng bị tù đọng kết hợp với bèo lục bình phát triển mạnh tạo thành nơi sinh sống lý tưởng của muỗi.

“Hai năm trước, sau khi thành phố vớt hết bèo lục bình và khơi thông dòng chảy, muỗi quanh khu vực đã giảm hẳn. Nhưng thời gian gần đây, muỗi xuất hiện mỗi ngày một nhiều thêm. Trung tâm y tế dự phòng đã phun thuốc diệt muỗi nhưng chỉ được vài ngày, muỗi lại nhiều như vãi trấu. Chúng tôi hy vọng các ban ngành quan tâm để có giải pháp hiệu quả giúp cho người dân thoát khỏi vấn nạn muỗi”, bà Trương Thị Mai Hương, người dân sống trên đường Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh nói.

Việc phun thuốc diệt muỗi chỉ là giải pháp tạm thời
Việc phun thuốc diệt muỗi chỉ là giải pháp tạm thời

Trong khi đó, mới đầu năm nhưng bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện rải rác. Theo thống kê của phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, tuần qua trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 3-5 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Tính riêng trong ngày 10/2 tại bệnh viện có 26 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Dự báo từ nay đến mùa mưa bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình muỗi hoành hành trái mùa, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, cho biết, loại muỗi xuất hiện gần đây là muỗi cỏ (tên khoa học Culex). Muỗi này không gây bệnh sốt xuất huyết nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống của người dân. Dự kiến trong tuần tới, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ tiến hành khảo sát và lên kế hoạch xử lý.

Ngành y tế dự phòng khuyến cáo, để hạn chế ảnh hưởng do muỗi gây ra người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông ao tù nước đọng, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, ngủ mùng thường xuyên.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm