Gia tăng trẻ mắc sởi tại Hà Nội, 1 trẻ tử vong
(Dân trí) - PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 230 ca mắc sởi. Riêng tại Hà Nội có 168 ca sốt phát ban dạng sởi, 1 trường hợp tử vong trong tổng số 45 dương tính với sởi được khẳng định.
Ngày 3/11, tại hội nghị phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân, PGS Phu cho biết, các ca mắc sởi giảm so với cùng kỳ năm 2017, với 230 ca mắc trong cả nước. Tuy nhiên, các ca bệnh ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh, thành khu vực phía Nam. Khu vực miền Bắc ghi nhận gần 100 ca mắc sởi, thi số mắc cao nhất tại Hà Nội (45 ca), sau đó là Hải Dương (17 ca), Nghệ An (8 ca)…
Tại Hà Nội, thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho thấy tích lũy năm 2017 có 170 ca sốt phát ban dạng sởi, trường hợp tử vong (trong tổng số 45 trường hợp dương tính với sởi được khẳng định).
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, các ca sởi xảy ra rải rác tại 21 quận, huyện. Xu hướng mắc tăng nhẹ vào mùa thu – đông. Trước đó vào các tháng đầu năm, Hà Nội chỉ ghi nhận 1-3 bệnh nhân mỗi tháng, đến tháng 8 tăng lên 6; tháng 9, 10 số mắc tăng lên 15,16 ca bệnh. Tuy nhiên các ca bệnh đều là đơn lập, không xảy ra dịch.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, số ca mắc sởi tăng nhẹ thời gian qua không bất thường, bởi đây là thời điểm dễ bùng phát các dịch bệnh hô hấp, trong đó có dịch sởi.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng sởi đạt khoảng 97%. Những trẻ còn lại chưa được tiêm chủng có thể mắc bệnh rải rác. Để phòng bệnh hiệu quả cần duy trì tiêm chủng bền vững.
Bên cạnh đó, trong 3-4 năm qua tỷ lệ tiêm chỉ đạt 97% nghĩa là vẫn còn 3% trẻ không được tiêm, cộng dồn lại tỷ lệ trẻ chưa được tiêm vẫn cao, dễ mắc bệnh, cần tập trung tiêm vét.
TS Cảm cho biết, trong tháng 11 này thành phố sẽ tiến hành rà soát đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố; tổ chức tiêm bổ sung hàng tuần; tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại trạm y tế xã (mỗi tuần 1-2 ngày). Để phòng chống các loại dịch bệnh, TS Cảm khuyến cáo cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, nâng cao sức đề kháng và đi tiêm đầy đủ, đúng lịch vắc xin phòng bệnh sởi.
Sốt xuất huyết giảm
Tuần cuối tháng 10, Hà Nội ghi nhận 789 trường hợp sốt xuất huyết, giảm 73 trường hợp so với tuần 42 và giảm 2.780 (giảm 78%) trường hợp so với tuần 32, trong đó: 20/30 quận huyện có số mắc giảm; 8/30 quận, huyện có số mắc tăng: Hai Bà Trưng (26), Hà Đông (14), Long Biên (5), Sóc Sơn (3), Mỹ Đức (3), Thanh Oai (2), Phúc Thọ (2), Ứng Hòa (1); 02 quận, huyện số mắc tương đương.
Lũy tích từ ngày 01/01/2017 đến nay toàn Thành phố ghi nhận: 35.239 trường hợp, 07 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi: 34.602 (chiếm 98,2%). Hiện còn 637 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.
Đến nay đã có hơn 5200 ổ dịch sốt xuất huyết được khống chế và chỉ còn 201 ổ dịch đang hoạt động.
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, hiện tại cả nước đã ghi nhận 156.716 trường hợp mắc, 30 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Theo TS Cảm, dù số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong 11 tuần gần đây, tuần vừa qua giảm 73 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.780 trường hợp (78%) so với tuần cao điểm của tháng 8 nhưng số mắc còn ghi nhận ở mức cao và điều kiện thời tiết vẫn thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản phát triển. Vì thế Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch để hạn chế số ca mắc mới và tử vong, đồng thời các đơn vị cần chuẩn bị xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cho năm tiếp theo phù hợp với tình hình thực tế.
Song hành với sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng xuất hiện rải rác, với 25 ca mắc bệnh/tuần. Lũy tích năm 2017: 691 trường hợp, không có trường hợp tử vong. Giảm 63% so với cùng kỳ năm 2016.
Hồng Hải